Báo chí đã góp phần cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Hôm qua 29.11, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo “Báo chí với chính sách dân tộc”, nhằm làm rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua kênh báo chí, truyền thông đến với đồng bào các DTTS và miền núi.
Theo báo cáo, từ năm 2006 – 2012, các chính sách đối với địa bàn vùng DT&MN được thể chế từ Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với gần 160 văn bản quy phạm pháp luật. Riêng từ đầu nhiệm kỳ XIII (2011-2016) đến nay, UBDT đã xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình toàn khóa với 7 nhiệm vụ trọng tâm; tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành chính sách mới, sửa đổi, bổ sung các chính sách không còn phù hợp... Để phổ biến, tuyên truyền và đưa các chủ trường chính sách đó đến với đồng bào dân tộc, miền núi, đã có đóng góp không nhỏ của kênh báo chí, tuyên truyền, đặc biệt trong đó là các ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Ông Nông Quốc Tuấn - Phó chủ nhiệm UBDT cho rằng: “Báo chí đã góp phần cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác dân tộc, chính sách dân tộc”. Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (UBDT) Nguyễn Thị Tư nhấn mạnh: “Các báo, tạp chí cần triển khai những chuyên trang, chuyên mục cụ thể, sâu sát, tập trung truyền tải những chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, những chính sách dân tộc đang triển khai trên đại bàn miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa… để đến với đồng bào ngày càng tốt hơn”. Cũng do công tác tuyên truyền cho đồng bào dân tộc có nhiều đặc thù, nên theo nguyên Phó Chủ nhiệm UBDT Bế Trường Thành, mỗi bản tin, bài viết, ảnh đăng trên báo chí đều phải trực quan sinh động, đơn giản, dễ hiểu và đi vào lòng người. Cần biết tranh thủ tiếng nói của người già, người có uy tín để các chính sách đến được với đồng bào nhanh nhất, hiệu quả nhất...
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thông tin, tuyên truyền, ông Nông Quốc Tuấn chỉ rõ: Thực tế cho thấy công tác xây dựng, triển khai tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc đang đặt ra rất nhiều vấn đề. Vì vậy, cần có sự cộng tác trí tuệ, trách nhiệm của đội ngũ cộng tác viên, phóng viên các cơ quan báo chí, nhất là ở mảng lý luận, tổng kết thực tiễn, phản biện xã hội, nhằm góp phần xây dựng hoàn thiện hệ thống các quan điểm lý luận về công tác dân tộc, chính sách dân tộc gắn với những đổi mới trong nội dung, cách thức tuyên truyền theo hướng ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo, phù hợp đặc thù của vùng dân tộc, miền núi.