ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị như vậy tại phiên họp của Quốc hội thảo luận tại hội trường về rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện chiều 13.11.
Còn dễ dãi, buông lỏng quản lý thủy điệnMặc dù ghi nhận những thành quả mà các dự án thủy điện đem lại trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia, nhưng nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đã nhấn mạnh mặt tiêu cực mà các dự án thủy điện gây ra như phá rừng, mất đất, gây xáo trộn đời sống của số lượng lớn hộ gia đình… Các ĐB cũng đồng thời “điểm mặt” nguyên nhân của thực trạng này là do sự chủ quan, dễ dãi và buông lỏng của cơ quan quản lý khi giám sát và thẩm định.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng: “Quá trình đầu tư xây dựng thủy điện đã bộc lộ tiêu cực, như: Lấy đi 133.000ha đất, 99.000ha rừng, di dời hàng chục nghìn hộ dân tái định cư nhưng đời sống của họ rất khó khăn. “Có sự buông lỏng và thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý. Trách nhiệm cơ quan quản lý trong các dự án thủy điện gây hại ở đâu? Trong nghị quyết về vấn đề này, Quốc hội phải quy định trách nhiệm một cách rõ ràng, cụ thể” -ĐB Thái Học kiến nghị.
ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, quá trình phát triển thủy điện đã để lại quá nhiều tiêu cực.
Còn ĐBQH tỉnh Phú Yên thì chỉ rõ lỗi của cơ quan quản lý là đã để cho “chủ đầu tư nhiều công trình thủy điện không thực hiện đúng trách nhiệm. Chỉ nhăm nhăm đến sản lượng điện tiêu thụ mà không quan tâm hoàn thành các trách nhiệm như: Không đảm bảo an toàn hồ chứa, không đánh giá tác động môi trường…”.
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng thẳng thắn: “Năng lượng điện có thể mua, hoặc thay thế bằng các nguồn năng lượng khác nhưng rừng không gì có thể thay thế được, đặc biệt là rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn. Tuy nhiên, công tác rà soát diện tích rừng trồng lại, xác định tác động môi trường chưa đảm bảo, chưa thực hiện quy trình thẩm định nên đã dẫn đến việc hàng loạt các thủy điện phải loại bỏ thời gian qua, đặc biệt là Dự án Thủy điện bậc thang 6 và 6A và 418 dự án thủy điện nhỏ…”.
Thiệt khi nhường đất cho thủy điệnĐBQH Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, giá điện đã tăng rất cao nhưng phí đóng cho dịch vụ môi trường rừng tại các dự án thủy điện vẫn duy trì ở mức thấp, 20.000 đồng/ha. “Thời gian tới không chỉ rà soát hơn 100 dự án thủy điện như đề xuất mà tôi yêu cầu rà soát hơn 800 dự án thủy điện đang xây dựng và vận hành” - ĐB Lan kiến nghị. Theo ĐB Lê Kiều Vân (Quảng Trị), 34% dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được loại bỏ khỏi quy hoạch do trách nhiệm của người thẩm định và cấp phép dự án.
Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ chưa đi sâu phân tích và đánh giá trách nhiệm của những cá nhân tổ chức gây ra tình trạng này. Đề xuất giải pháp cho vấn đề quy hoạch thủy điện, ĐB Kiều Vân cho rằng: “ Bên cạnh việc làm rõ trách nhiệm, cần quan tâm giải quyết tốt hơn trong việc xây dựng sinh kế cho người dân ở vùng tái định cư. Việc thu hồi đất phải đảm bảo quyền lợi cho người dân. Ngành điện chưa đem lại thuận lợi gì cho người dân khi họ nhường đất cho các dự án thủy điện”.
Đồng tình với ý kiến ĐB Kiều Vân, ĐB Đàng Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đề nghị Chính phủ có chính sách căn cơ ở khu vực tái định cư. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng xã hội. Ban hành chính sách tín dụng ưu đãi để tạo điều kiện cho người dân giảm nghèo bền vững. Về các chính sách cụ thể, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề xuất: “Cần vinh danh những người dân nhường đất xây thủy điện và những người dân dành đất cho tái định cư”. Nhưng tôi thấy vấn đề này còn mờ nhạt trong báo cáo của Chính phủ”.
Để khắc phục hạn chế trong phát triển thủy điện hiện nay, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) nói: “Những năm 2001 - 2010 là giai đoạn bùng nổ dự án thủy điện. Nhà nhà, người người làm thủy điện. Từ đó đã nảy sinh những bất cập, tiêu cực mà đến hôm nay vẫn chưa giải quyết xong. Để khắc phục tình trạng này, đề nghị không giao cho địa phương quy hoạch thủy điện. Không cấp phép cho thủy điện nhỏ để tập trung vào tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế như điện gió và năng lượng mặt trời. Đồng thời, bắt buộc phải đặt ra những điều kiện khi muốn xây dựng thủy điện như phải trồng rừng, đồng thời với xây thủy điện, không chấp nhận tình trạng xây xong thủy điện mới bổ sung trồng rừng.
Tỷ lệ hộ nghèo do tái định cư cho thủy điện gấp 36,6% tỷ lệ hộ nghèo nói chung, riêng ở Thủy điện Hòa Bình tỷ lệ này là 43%, Bản Vẽ là 73%... Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư không tuân thủ quy định của pháp luật, được ưu ái nhiều nguồn lực, thu lợi cho riêng doanh nghiệp”. ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) Cần phải trả lời được câu hỏi vì sao 424 dự án loại bỏ trước đây từng được đánh giá tác động môi trường tốt. Vì sao hơn 20 năm làm thủy điện mà mới đây Bộ NNPTNT mới ban hành quy định về trồng rừng? Trách nhiệm như thế nào? ĐBQH Danh Út (Kiên Giang)
|