Năm 2008, trong lúc thi công cầu mới sông Đầm, đơn vị thi công đã xây dựng cầu tạm Cửa Đầm để vận chuyển các vật dụng siêu trọng phục vụ việc xây dựng Khu kinh tế Dung Quất. Sau khi việc vận chuyển này hoàn tất, đơn vị thi công đã không trả lại mặt bằng như ban đầu khiến việc lưu thông tàu thuyền qua sông Đầm bị ách tắc do vướng phải cầu tạm Cửa Đầm.
Việc vận chuyển đã xong nhưng 4 năm đơn vị thi công vẫn chưa tháo dỡ gầm cầu, phần triền đà cong vênh xuống dưới khiến mọi tàu thuyền đều không ra vào được.
Ông Nguyễn Thanh Long - chủ tàu Qng - 55035 (thôn Tuyết Diêm 2), bức xúc: “Không hiểu vì sao đơn vị thi công không dỡ bỏ cầu tạm Cửa Đầm để tàu thuyền ra vào cửa sông Đầm neo đậu như trước kia. Báo hại, nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa bão là ngư dân phải chạy vạy khắp nơi tìm nơi trú ẩn tàu thuyền, tốn kém chi phí nhiên liệu, mất thời gian, không bảo quản được tàu”.
Cửa Đầm là nơi neo đậu tàu thuyền vào lúc mưa bão từ nhiều năm qua của ngư dân địa phương. Thế nhưng từ khi xây dựng cầu tạm này thì tàu thuyền của ngư dân không thể vào Cửa Đầm neo đậu, phải trú tránh bão ở những cửa biển xa xôi, tốn kém… Việc bức xúc này, ngư dân 2 thôn đã nhiều lần kiến nghị lên xã và huyện. Mới đây, ngày 6.8, UBND huyện Bình Sơn đã yêu cầu Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế Dung Quất tháo dỡ toàn bộ cầu tạm để đảm bảo cho tàu thuyền vào Cửa Đầm. Tuy nhiên, đại diện BQL không nhất trí, chỉ đồng ý tháo dỡ các thanh dầm bản mặt, còn phần mố và đường dẫn cầu tạm vẫn giữ nguyên “để dự phòng cho việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng phục vụ các dự án lớn sắp đến tại Khu kinh tế Dung Quất”. Điều đó đồng nghĩa với việc tàu thuyền của hơn 700 ngư dân 2 thôn vẫn phải dáo dác tìm nơi neo đậu trú ẩn khi mùa mưa bão đến.
Trao đổi với PV NTNN, ông Đỗ Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, bế tắc: “Công ty Vận tải đa phương thức (SDV) phụ trách việc thi công cầu tạm qua sông Đầm đã xong việc vận chuyển 4 năm qua nhưng vẫn chưa trả lại mặt bằng khiến việc lưu thông tàu thuyền ở sông Cửa Đầm bị cản trở, hàng trăm ngư dân rơi vào cảnh khốn đốn. Phương án mà BQL Khu Kinh tế Dung Quất đưa ra nếu được thực hiện vẫn không giải quyết được thực trạng ách tắc này. Chúng tôi cũng chưa biết phải giải quyết như thế nào…”.