Sáng 2.1, một số quân nhân trong số 52 người thuộc thủy thủ đoàn cùng các chuyên gia Nga, cán bộ kỹ thuật Quân chủng Hải quân đã xuống tàu mẹ Rolldock Sea. Đoàn công tác đã vào trong tàu ngầm Kilo Hà Nội kiểm tra công tác kỹ thuật của
tàu ngầm Kilo.
Tàu ngầm Kilo HQ 182 Hà Nội đã sẵn sàng hạ thủy vào rạng sáng 3.1 .
Trong hai ngày 1.1 và 2.1, một số thiết bị đi kèm
tàu ngầm Kilo Hà Nội cũng đã được cẩu xuống các tàu hải quân chuyên chở vào quân cảng. Toàn bộ dàn khung sắt gia cường, chằng cố tàu ngầm Kilo Hà Nội để bảo đảm không bị va chạm, móp méo trong quá trình vận chuyển suốt hành trình hơn 1 tháng rưỡi từ thành phố Cảng St Peterburg (Liên bang Nga) đến vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa, Việt Nam) cũng đã được tháo dỡ xong.
Sáng 2.1, tàu mẹ Rolldock Sea đang đậu tại vùng nước thuộc Cảng (dân sự) Cam Ranh đã hạ cánh cửa hậu sau lái để hoàn tất nốt việc tháo dỡ khung gia cường, chằng cố. Dự kiến, vào rạng sáng 3.1, toàn bộ thủy thủ đoàn của 4 tàu gồm tàu mẹ Rolldock Sea, 2 tàu lai dắt Azimuth và tàu ngầm Kilo Hà Nội sẽ bắt đầu các công tác chuẩn bị cho việc hạ thủy tàu ngầm Kilo Hà Nội.
Bắt đầu là việc bơm nước vào đánh chìm tàu mẹ Rolldock Sea, sau đó tàu ngầm Kilo Hà Nội sẽ được 2 tàu lai dắt Azimuth đưa ra khỏi tàu mẹ, lai dắt tự hành được tiếp nhận vào quân cảng hải quân. Lễ bàn giao tàu ngầm Kilo Hà Nội và lễ thượng cờ sẽ diễn ra vào ngày 10.1.
Kỹ sư Aleksandr Beliy, chuyên gia của Nhà máy Admiraltei Verfi, được cử sang Việt Nam, cho biết: “Mặc dù doanh nghiệp này đã có nhiều kinh nghiệm đối với những chuyến vận tải đơn hàng tàu ngầm cho các đối tác trên quãng đường rất xa xôi, nhưng chuyến đi lần này (về Việt Nam) vẫn được chuẩn bị hết sức chu đáo vì ý nghĩa quan trọng đặc biệt của chuyến hàng này đối với quốc gia đặt hàng.”
“Ngoài những vật liệu cần thiết cho chuyến đi, chúng tôi còn mang theo một cơ số sơn đặc biệt để sẽ sử dụng đến khi tàu ngầm được vận chuyển về căn cứ ở Việt Nam. Khi đó chúng tôi sẽ trang điểm lại cho con tàu để nó sẽ trở nên cực kỳ đẹp mắt và hoành tráng trong buổi lễ tiếp nhận,”- ông Beliy nói.
Tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam thuộc lớp “Varshavyanka” 636 (NATO định danh là lớp Kilo 636), có chiều dài 73,8m, rộng 9,9m. Tàu có tầm hoạt động 6.000-7.500 hải lý, thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm và thủy thủ đoàn 52 người. Vũ khí của tàu bao gồm 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm...
|
Theo các hãng tin Nga, tàu ngầm Kilo Hà Nội là một trong 6 tàu ngầm điện – diesel Kilo được Việt Nam đặt mua của Nga từ năm 2006, trị giá trọn gói 2 tỷ USD. HQ 182 Hà Nội là chiếc đầu tiên Nga giao cho Việt Nam, dự kiến toàn bộ 6 chiếc tàu ngầm theo hợp đồng sẽ được giao nhận xong vào năm 2016. Khoảng tháng 3.2014, chiếc tàu ngầm thứ 2 mang tên HQ183 Hồ Chí Minh sẽ được đưa đến vịnh Cam Ranh.
Đại sứ Việt Nam tại Nga Phạm Xuân Sơn nhận định, tàu ngầm Kilo là niềm tự hào của dân tộc của Việt Nam. Việc Quân đội Nhân dân Việt Nam được trang bị thêm những chiếc tàu ngầm Kilo hiện đại, sẽ nâng thực lực của chúng ta lên trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Về khía cạnh quốc tế, khi một quốc gia có biển như Việt Nam, ngoài các chiến hạm, máy bay, tên lửa và các phương tiện hiện đại khác lại có thêm Hạm đội tàu ngầm, thì vị thế và đóng góp cho việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở Biển Đông càng tích cực và có trọng lượng hơn.