Dân Việt

ĐBSCL: Cấp bách cứu con cá tra

Đức Khánh 22/08/2013 10:10 GMT+7
Hôm qua (21.8), tại TP.Cần Thơ, Bộ NNPTNT phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị bàn giải pháp cứu con cá tra 5 tháng cuối năm 2013.
Hội nghị cũng nêu các ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.

Người nuôi lỗ nặng

Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền cho biết: Tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra trong 7 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, đó là người nuôi liên tục bị thua lỗ, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh kém hiệu quả.

Thời gian vừa qua, người nuôi cá tra ở ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn.
Thời gian vừa qua, người nuôi cá tra ở ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tính đến ngày 16.8, toàn vùng ĐBSCL đã thả nuôi đạt 4.696ha (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2012). Diện tích thu hoạch là 3.579ha (tăng 31,7%, so với cùng kỳ), với sản lượng gần 771.000 tấn. Năng suất bình quân đạt 215 tấn/ha (năm 2012 là 270 tấn/ha).

Theo ông Điền, giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến cho người nuôi gặp nhiều khó khăn, như: Giá thức ăn tăng từ 300–500 đồng/kg, thuốc thú y tăng bình quân 10%, nguyên nhiên liệu đầu vào tăng, do đó giá thành cá tra nguyên liệu dao động ở mức từ 20.000–24.500 đồng/kg, thậm chí có những thời điểm giá xuống 19.000 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 2.000–4.000 đồng/kg.

Không riêng gì người chăn nuôi lỗ nặng, hàng ngàn hộ ương cá giống ở ĐBSCL hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn về giá cả. Những tháng đầu năm, giá cá tra giống ở mức rất thấp, giá cá tra bột dao động từ 0,50 – 1 đồng/con (giảm 30 – 50% so với năm 2012); giá cá tra giống dao động từ 17.000 – 21.000 đồng/kg (thấp hơn từ 3.000 – 5.000 đồng/kg so với năm 2012).

Kiểm soát chặt chẽ sản lượng

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch VASEP cho rằng: Làm sao có chính sách cho vay có địa chỉ cụ thể rõ ràng đối với người nuôi cá và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho người làm thực tế có nhu cầu; vai trò UBND các tỉnh, thành hỗ trợ cho vay tín dụng hết sức là quan trọng. “Đề nghị, chủ động nắm bắt nhu cầu thực tế thị trường để chủ động nguồn cung. Cần có cơ chế chính sách phát triển thị trường, đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng để đảm bảo cho sự bền vững cá tra. Nên từ bỏ tư duy thành tích sản lượng”– ông Dũng kiến nghị.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm doanh số cho vay nuôi trồng, thu mua chế biến cá tra tại các tổ chức tín dụng khu vực ĐBSCL là 27.167 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đến ngày 31.7 là 22.909 tỷ đồng . Nợ xấu đến ngày 31.7 là 1.033 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 4,5% trong tổng dư nợ).


Đại diện cho nông dân nuôi cá, ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm Hợp tác xã Cá tra Thới An, TP.Cần Thơ kiến nghị: “Ngân hàng Nhà nước, Bộ NNPTNT cần phải có sự chế tài các doanh nghiệp nợ tiền cá tra chây ỳ để giúp người nông dân nuôi cá giảm bớt gánh nặng, nếu để tình trạng kéo dài hoài chắc chắn người nuôi sẽ trắng tay, vỡ nợ”. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Thời gian qua, hiệu quả sản xuất và lợi nhuận từ con cá tra mang lại cho người nuôi và doanh nghiệp rất thấp; doanh nghiệp và người nuôi chưa giải quyết căn bản đặc biệt là nợ xấu, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn...

“Cần tăng cường xúc tiến thương mại, tăng cường mở rộng thị trường có tiềm năng đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Nga, Ukraina… UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch và khuyến khích nuôi cá tra tại những vùng có điều kiện thuận lợi; song song với các chỉ tiêu tăng trưởng về diện tích và sản lượng cần phải xác định hiệu quả kinh tế trong sản xuất là ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng kế hoạch các năm tiếp theo”– Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo.