Dân Việt

Vina, Mobi, Viettel "bắt tay” lũng đoạn thị trường 3G?

Đình Thắng 18/10/2013 12:03 GMT+7
Đó là nghi vấn mà dư luận đặt ra trước sự việc 3 mạng di động lớn nhất nước (Viettel, Vinaphone, MobiFone) tuyên bố tăng cước 3G trong cùng một ngày (16.10), trong khi các mạng này đang lãi khủng.
Trong năm 2013, dự kiến lợi nhuận của các nhà mạng sẽ tiếp tục cao chót vót (năm 2012: Viettel là 27.000 tỷ đồng, VNPT là 8.500 tỷ đồng).

Vì sao tăng cước 3G?

Đây là câu hỏi được đặt ra trong buổi giao lưu trực tuyến giữa các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone cùng cơ quan quản lý nhà nước là Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông), Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) do báo điện tử Infonet tổ chức sáng 17.10.

Trước đó dư luận cho rằng trước sự bùng nổ của dịch vụ OTT (dịch vụ điện thoại, nhắn tin miễn phí trên internet) như Viber, Line, KakaoTalk, Zalo, thậm chí là các mạng xã hội như Facebook... khiến cho doanh thu các nhà mạng giảm sút, vì vậy 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone, Vinaphone đồng loạt tăng cước 3G.

Tuy nhiên đại diện của các nhà mạng trên lại phủ nhận thông tin này. Đại điện các nhà mạng Vinaphone, Mobifone cũng phủ nhận điều trên. Ông Hồ Đức Thắng - Phó Giám đốc Công ty Vinaphone cho rằng: “Không phải do sức ép của dịch vụ OTT đang bị lỗ mà Vinaphone phải tăng giá cước 3G. Chúng tôi thực hiện việc điều chỉnh giá cước theo đúng nguyên tắc xây dựng giá bán không dưới giá thành và hiện giờ Vinaphone tôi đang thực hiện bán giá tiệm cận với giá thành”.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Trưởng phòng Kinh doanh (Tập đoàn Viettel) cho biết: “Viettel không phải gói cước nào cũng tăng giá, như gói MI10 đang giảm 40%. Viettel cũng có những đề xuất riêng về quản lý OTT gửi Bộ TTTT. Chúng tôi khẳng định việc điều chỉnh cước 3G không liên quan đến OTT do việc sử dụng OTT tiêu tốn dung lượng data rất ít”.

img

Nhiều độc giả - cũng là khách hàng sử dụng dịch vụ 3G cho rằng việc tăng cước sử dụng 3G gây ảnh hưởng tới người sử dụng trọng khi theo báo cáo tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) này trong năm 2012 không hề nhỏ (Viettel là 27.000 tỷ, VNPT là 8.500 tỷ), các DN kinh doanh di động là DN nhà nước, vậy mục tiêu chính hoạt động của các DN là tối đa hóa lợi nhuận hay mở rộng phục vụ khả năng cung cấp dịch vụ để người dân có thể sử dụng với chi phí phải chăng và rộng rãi?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trung - Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TTTT) thừa nhận: “Nếu xét trên toàn dịch vụ viễn thông thì hiện nay 3 doanh nghiệp điều chỉnh giá đợt này đều kinh doanh có lãi từ nhiều năm qua. Nhà nước sẽ điều tiết để mục tiêu phát triển kinh tế tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ để người dân có thể sử dụng dịch vụ với giá hợp lý”.

Mặc dù nhà mạng tăng cước 3G nhưng vấn đề chất lượng lại không có bất kỳ cam kết chất lượng nào, nhiều người sử dụng 3G cho rằng dịch vụ này vẫn còn kém, mạng chập chờn và rất chậm. Nghịch lý ở chỗ, dù người sử dụng đánh giá chất lượng dịch vụ này có vấn đề tuy nhiên, các nhà mạng lại cho rằng chất lượng 3G của họ tốt hơn nhiều so với quy định của Bộ TTTT.

Về vấn đề này ông Hồ Đức Thắng – Phó Giám đốc Công ty Vinaphone cho rằng: “Hàng năm Bộ cũng có đợt kiểm tra tại khu vực Bộ chỉ định và Vinaphone đều đảm bảo chất lượng cung cấp, thậm chí còn cao hơn chất lượng của Bộ quy định”. Tuy nhiên ông Thắng cũng thừa nhận: “Trong lúc điều chỉnh nâng cấp mạng lưới cũng có nơi, thời điểm chất lượng không đảm bảo yêu cầu khách hàng, các nhà mạng phải cố gắng”.

“Bắt tay” để “bắt chẹt” khách hàng?


Đó là nghi vấn mà dư luận đặt ra trước sự việc 3 mạng di động lớn nhất nước (Viettel, Vinaphone, Mobifone) tuyên bố tăng cước 3G trong cùng ngày 16.10. Để trả lời cho vấn đề này, các nhà mạng lại vin vào cớ chu kỳ tính giá cước.

Đại diện nhà mạng Mobifone cho biết: “Cũng như các mạng khác, MobiFone có 2 chu kỳ tính cước là ngày 1 và 16 hàng tháng, như vậy tương ứng có 2 lựa chọn điều chỉnh cước là ngày 1 và 16.10. Ngày 4.10 chúng tôi mới nhận được văn bản chấp thuận cho tăng giá của Cục Viễn thông nên chúng tôi quyết định chọn ngày 16.10 để tăng cước, khi ấy đã đảm bảo đủ thời gian chuẩn bị về kỹ thuật, cũng như truyền thông”. Các nhà mạng Viettel, Vinaphone cũng có câu trả lời tương tự.

Về nghi vấn các nhà mạng “bắt tay” để không chế thị trường, bắt chẹt khách hàng, ông Nguyễn Đức Trung - Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TTTT) ngập ngừng và không chắc chắn về việc này, ông Trung cho biết: “Không rõ DN có họp với nhau để ra cùng thời điểm hay không, nhưng phía Bộ đã ban hành văn bản chấp thuận và gửi cho cả 3 nhà mạng trong cùng 1 ngày”.

“Với việc chiếm lĩnh 97,3% thị phần, việc tăng giá cước 3G lên 40% của ba nhà mạng có dấu hiệu của sự thỏa thuận tăng giá cước, vi phạm quy định tại điều 11 của Luật cạnh tranh về việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường” - Luật sư Hà Hải - Trưởng văn phòng luật sư Hà Hải (TP.HCM) khẳng định. Theo ông Hải, Luật cạnh tranh cấm DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Các nhà mạng trên có vi phạm Luật cạnh tranh không, theo ông Trần Anh Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương): “Chúng tôi đang trong quá trình thu thập thông tin cần thiết, căn cứ thông tin nhận được và trao đổi với Bộ TTTT, chúng tôi mới có thể đưa ra những nhận định của mình”.

“Nhiều tiền vào nhà hàng, ít tiền ăn bình dân”

Không chỉ đồng loạt công bố tăng giá cước 3G vào cùng một thời điểm, 3 nhà mạng lớn nói trên đã đồng loạt tăng giá cước 3G như nhau, từ gói 50.000đ/tháng lên 70.000đ/tháng. Bên cạnh đó, với việc tăng giá như thế, khách hàng băn khoăn liệu họ có lợi ích gì từ việc tăng giá này?

Đại diện Mobifone cho hay: “Khách hàng phải trả 50.000đ năm ngoái mà năm nay phải trả hơn 50.000đ, nếu nhìn bề ngoài có vẻ là khách hàng bị thiệt. Tuy nhiên viễn thông là lĩnh vực thay đổi rất nhanh, nhà mạng luôn cần tái đầu tư để phát triển. Nếu bán dưới giá thành, nhà mạng không có đầu tư tiếp để nâng cao chất lượng mạng lưới, phát triển công nghệ mới thì có thể dẫn đến nguy cơ lạc hậu, thị trường sụp đổ, thì người chịu thiệt nhất là khách hàng”.

Còn ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh Tập đoàn Viettel thì cho biết: “Việc mức cước tăng lên 70.000đ/tháng đã nằm trong hệ thống cân đối giá cước nói chung. Đồng thời dựa trên nhu cầu của khách hàng Viettel, đây là vấn đề về kỹ thuật tính cước để tối ưu hóa các lợi ích cho khách hàng và cân bằng với lợi ích nhà mạng”.

Liên quan đến chất lượng dịch vụ, ông Nguyễn Đức Trung - Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TTTT) khẳng định: “Sắp tới chúng tôi sẽ kiểm tra ngặt nghèo hơn, nếu DN vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Hiện nay chúng tôi đang xây dựng tiêu chuẩn về 3G, sau này khi tiêu chuẩn được ban hành chúng tôi sẽ đánh giá chất lượng trên cơ sở này. Đây là 1 thách thức đối với các DN”.

Đối với việc tăng giá của các DN, ông Trung cho biết: “Tính toán cho thấy đợt này trung bình giá cước tăng khoảng 20%. Thực ra các nhà mạng có nhiều gói cước cho khách hàng lựa chọn. Thuê bao của Viettel có thể chọn gói giảm 40% chứ không nhất thiết chọn gói đắt. Nên chọn gói cước phù hợp tùy thuộc túi tiền của khách hàng. Nhiều người quan tâm tốc độ tải dữ liệu thì quan tâm gói đắt. Thu nhập thấp thì quan tâm gói nhỏ. Hoàn toàn do lựa chọn của khách hàng, nhiều tiền vào nhà hàng đắt tiền, ít tiền vào hàng ăn bình dân”.

Tuy nhiên, việc tăng giá đồng loạt cùng lúc của các nhà mạng đã khiến cho dư luận liên tưởng đến đến câu chuyện của ngành xăng dầu, đó chính là sự độc quyền của các ông lớn trong ngành viễn thông.