Dân Việt

Kinh hoàng mỡ bẩn - Vào lò “độ chế”

15/08/2012 06:48 GMT+7
(Dân Việt) - Trước khi được tuồn vào nhà hàng, quán ăn... mỡ heo, mỡ bò từ dạng tóp cho đến dạng lỏng được chế biến, bảo quản bằng “công nghệ” siêu bẩn.

Bẩn đến rùng mình

Lò mỡ của gia đình bà Nguyễn Thị Hương (tên thường gọi là Măng) ở cồn Hến, phường Vĩ Dạ, là một trong những cơ sở chế biến mỡ heo có quy mô lớn ở TP.Huế và các vùng phụ cận. Nghe chúng tôi nói cần mua số lượng lớn mỡ đã chế biến, bà Hương hồ hởi ra giá: “Mỡ lỏng giá 17.000 đồng/kg, còn mỡ tóp 62.000 đồng/kg, mua bao nhiêu cũng có”.

Chúng tôi đòi được tận mắt chứng kiến khâu chế biến mỡ tại lò của bà để xem xét khâu vệ sinh, bà Hương chần chừ một lúc rồi miễn cưỡng dẫn chúng tôi ra sau nhà.

img
Chế biến mỡ bẩn tại một lò chế biến ở phường Hương Sơ, TP.Huế.

Lò chế biến mỡ của bà Hương là một ngôi nhà nhỏ ẩm thấp, nằm cạnh một lùm cây dại. Vừa đặt chân đến lò mỡ này, chúng tôi đã rùng mình bởi mùi hôi khó chịu bốc lên từ những đống mỡ heo đã biến màu được đổ bừa bãi giữa sàn xi măng cáu bẩn. Mùi hôi này thu hút ruồi kéo đến, bâu dày trên các đống mỡ. Có vài người đang làm việc, tiến hành các công đoạn cắt, rán và ép mỡ...

Trước khi được phân loại, cắt và đổ vào chảo rán, mỡ heo ở đây không hề được rửa qua nước. Chảo rán mỡ được đặt tại một góc nhà trống hoác, sàn nhà nhầy nhụa thứ nước đen ngòm. Sau khi được rán thành dạng nước, mỡ được đựng trong những thùng phuy lớn đã gỉ sét và không có nắp đậy. Tiếp đó, mỡ được đổ vào những bao nylon cỡ lớn và vứt la liệt giữa sàn nhà.

Quy trình chế biến mỡ siêu bẩn tại cơ sở của bà Hương cũng là thực trạng chung của nhiều cơ sở chế biến mỡ tại TP.Huế và các khu vực lân cận. Nghe chúng tôi hỏi đường đến lò chế biến mỡ bò của ông Ty trên đường Lê Duẩn (phường An Hòa, TP.Huế), một người dân sống gần nhà ông này cảnh báo: “Họ chế biến mỡ bẩn khủng khiếp lắm, ăn vào mắc bệnh mà chết. Công an về xử lý mấy lần rồi mà mọi chuyện vẫn đâu vào đấy”.

Vừa đến ngõ nhà ông Ty, chúng tôi đã sởn da gà bởi mùi thối tựa mùi của xác động vật đang phân hủy bốc lên. Sau khi đặt vấn đề mua bán, chúng tôi được vợ ông Ty dẫn đi xem quy trình chế biến mỡ bò. Lò chế biến mỡ này được đặt trong cái chòi xập xệ, nằm sát đường đi. Hàng tạ mỡ bò đã bốc mùi hôi thối được đổ ngổn ngang giữa sàn nhà lấm lem bùn đất, ruồi nhặng bu kín. Cạnh đống mỡ là những bao nylon cỡ lớn đựng mỡ lỏng vứt lăn lóc khắp nơi. Phía trong là 2 chảo rán mỡ đang sôi sùng sục cạnh hồ nước đen ngòm, bốc mùi tanh tưởi.

img
Mỡ heo tại cơ sở của bà Hương sau khi chế biến được đựng
vào những thùng phuy gỉ sét...

Người phụ nữ tên Trang -con dâu bà Ty cho biết, trước đây cơ sở này chế biến cả mỡ heo lẫn mỡ bò, nhưng thời gian gần đây chỉ chuyên chế biến mỡ bò. Theo chị này, mặc dù chuyên chế biến mỡ bò nhưng nếu chúng tôi đặt mua mỡ heo thì cơ sở của chị vẫn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu.

Tuồn vào nhà hàng, quán ăn

Theo con dâu bà Ty, mỡ lỏng của cơ sở chủ yếu được đưa đi tiêu thụ tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tháng nào cũng có người từ 2 thành phố trên đến thu mua nên sản phẩm do cơ sở này chế biến không bao giờ bị ế. Chúng tôi hỏi người ta mua mỡ bò đã chế biến của cơ sở để làm gì thì chị này lắc đầu và nói không biết. Tuy nhiên, một lúc sau chị lại nói là người ta thu mua mỡ bò của mình để làm gia vị cho các gói mì tôm(!?).

Lò chế biến mỡ heo của bà Tám ở tổ 4, khu vực 2, phường Hương Sơ, TP.Huế là cơ sở chế biến mỡ có quy mô lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hiện mỗi ngày, cơ sở này sản xuất hàng tấn mỡ lỏng và tóp mỡ. Nguồn mỡ heo dùng để chế biến được bà Tám thu gom từ các cơ sở giết mổ và các chợ trên địa bàn tỉnh. Sau khi thu gom về, mỡ không được rửa mà đổ ngổn ngang giữa sàn nhà đầy rẫy ruồi nhặng, sau đó đưa vào chảo rán rồi đóng vào các bao nylon.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ các cơ sở chế biến mỡ heo, mỡ bò ở Thừa Thiên - Huế ăn nên làm ra là do loại mỡ này được nhiều cơ sở kinh doanh, khu công nghiệp ưa chuộng. Mỡ heo, bò sau khi rán thành dạng lỏng được bán 17.000 đồng/kg, chỉ bằng giá của 1 lít dầu ăn.

Theo bà Tám, sản phẩm của cơ sở bà làm ra không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, mà còn “làm mưa làm gió” tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam. Mỡ lỏng của cơ sở được các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn khu công nghiệp dùng để nấu nướng thức ăn. Mỡ tóp thì chủ yếu được bán cho các cơ sở bán cơm hến, bún hến tại Huế.

Nghe tôi giới thiệu mình là chủ một nhà hàng lớn ở huyện miền núi A Lưới, bà Tám khuyên nên mua số lượng lớn mỡ lỏng để dùng từ từ vì lỡ sau này khan hàng. Chúng tôi nói sợ để lâu mỡ sẽ hỏng thì bà Tám nói mỡ của bà sau khi đóng vào bao để… cả năm trời vẫn bán được, vì không bao giờ bị hỏng!

Bài 3: Nguồn dịch bệnh nguy hiểm