Thôn Long Tỉnh ở quận Tây Hồ, thành phố Hàng Châu, Trung Quốc được coi là "Đệ nhất thôn chè Trung Quốc" bởi chất lượng hảo hạng của các loại chè và các thế hệ người dân nơi đây đều làm các công việc liên quan tới chè.
Bà Mậu Nhã Cầm là một nông dân trồng chè điển hình ở làng Long Tỉnh. Sau khi Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa, dựa vào việc trồng chè, bán chè, bà Cầm đảm đang tháo vát dần dần đi lên con đường khá giả. Khách hàng của bà Cầm đến từ nhiều nước trên thế giới, từ quan chức Trung Quốc và nước ngoài, lãnh đạo doanh nghiệp đến người dân bình thường, chè của nhà bà Cầm hàng năm đều cung không đủ cầu. Hiện nay, vườn chè của bà được mở rộng từ 0,46 đến 0,53 ha.
Đầu thập niên 80 thế kỷ trước, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách khoán sản phẩm đến hộ, thay đổi phương thức sản xuất quản lý tập thể trước đây sang phương thức do nông dân tự quản lý, sản xuất, phân phối và kinh doanh. Sau khi khoán sản phẩm đến hộ, chè của mỗi gia đình và mỗi hộ ở làng Long Tỉnh đều đổi sang hình thức tự sản xuất và tiêu thụ, tính tích cực được kích thích chưa từng thấy.
Hiện nay, thu nhập từ bán chè của nhà bà Cầm có thể lên tới 800 tới 900 nghìn nhân dân tệ/năm; nhà bà đã có thu nhập hàng chục nghìn nhân dân tệ ngay từ thập niên 80 thế kỷ trước, trở thành "gia đình thu nhập hàng chục nghìn nhân dân tệ" giàu lên trước; năm 1999, bà Cầm đã mua chiếc ô tô đầu tiên với giá 250 nghìn nhân dân tệ, hiện nay gia đình bà có 3 chiếc ôtô, hầu như mỗi người có một chiếc.
Tại làng Long Tỉnh, đầy đồng khắp núi đều trồng cây chè với lịch sử lâu đời, năm 1762, khi đến Giang Nam thị sát, Vua Càn Long đời Nhà Thanh từng thưởng thức chè Long Tỉnh Tây Hồ ở chùa Hồ Công dưới chân núi Sư Phong, làng Long Tỉnh và tấm tắc ca ngợi, phong 18 cây chè trước chùa là "Chè Ngự". Hiện nay, 18 cây chè cổ này vẫn sinh sôi nảy nở và trở thành một điểm du lịch ở làng Long Tỉnh. Môi trường thiên nhiên tươi đẹp và bầu không khí văn hóa chè đậm đà đang thu hút ngày càng nhiều người thích uống chè và du khách. Những năm qua, ngoài bán chè ra, làng Long Tỉnh có nhiều gia đình làm du lịch đồng quê cung cấp dịch vụ nhà hàng. Nhà bà Cầm cũng xây một nhà hàng đồng quê cao hai tầng, thế nhưng, điều khác với các gia đình khác làm du lịch đồng quê, bà Cầm phóng khoáng nhiều khi chỉ coi nhà hàng này là nơi hội ngộ các bạn thích uống chè, cung cấp nơi nghỉ ngơi và chuyện trò miễn phí cho khách hàng.