Một thân một mình nuôi hai đứa con nhỏ, phận đời của người đàn bà xứ núi ấy cứ buồn thê thiết như dòng sông dài ngút ngát phía sau bản làng. Người đàn bà đó là Hồ Thị Lệ 27 tuổi, ở thôn 5, xã Trà Giác (Bắc Trà My, Quảng Nam) và cậu con trai có cái đầu kỳ lạ tên Trần Văn Hoài, 4 tuổi.
Đứa con của “ma rừng”Mọi người xung quanh làng vẫn gọi cậu bé ấy với cái tên “cậu bé người ngoài hành tinh”, bởi năm nay mới được gần 4 tuổi nhưng bé đã có chiếc đầu to một cách lạ thường, nhìn không khác gì những nhân vật người ngoài hành tinh có khuôn mặt và chiếc đầu quá cỡ vẫn hay chiếu trên tivi.
Chị Lệ bên đứa con bị coi là “ma rừng”
Chúng tôi lần theo con đường rất đẹp trên dãy Trường Sơn, ngược lên những con dốc cao ngút trời, một thôn nghèo thuộc khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 nằm cheo leo trên sườn núi để tìm về ngôi nhà của hai con người bất hạnh đó.
Theo lời chỉ dẫn của những người dân trong vùng, chúng tôi tìm mãi mới thấy căn nhà gỗ nhỏ cửa đóng im ỉm, gọi mãi nhưng không thấy tiếng ai trả lời. Anh Hồ Văn Búc, nhà bên cạnh mới chạy ra nói: “Mẹ nó đi rẫy hái trái bắp rồi. Nó ở nhà ông bà ngoại ở dưới kia kìa. Để tôi dẫn các anh đi”. Dẫn chúng tôi vào nhà, anh Búc nói với ông Hồ Văn Noi (75 tuổi, ông ngoại cậu bé Hoài) bằng tiếng Ca Dong khi ông đang cố dỗ dành những tiếng khóc khó khăn đứt quãng như những tiếng ré thảm thiết của cậu bé Hoài.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Noi bảo: “Mẹ nó đi rẫy rồi. Nhà không có gì ăn phải lên rẫy bẻ trái bắp khô về nấu cháo cho nó ăn. Gạo không còn nữa, ăn bắp mấy ngày nay rồi. Nó đói nên nó khóc thế đấy!”.
Lúc này, chúng tôi mới bắt đầu quan sát cậu bé kỳ lạ đó. Theo ước tính chiều cao của cậu bé Hoài vỏn vẹn chưa đầy 60cm, cân nặng chưa tới 15kg, riêng cái đầu to một cách lạ thường chiếm gần một nửa thể trọng cơ thể. Rọi ánh sáng vào đầu bé, chúng tôi thấy nhiều chất lỏng như nước, nom kinh hãi vô cùng.
Kể về căn bệnh quái ác của cháu ngoại, ông Noi giọng trầm xuống: “Ban đầu khi mọi người nhìn thấy cháu tui có cái đầu to kỳ dị như thế, tất cả mọi người đều sợ hãi và cho rằng thằng bé đã bị “con ma rừng” nhập vào. Lúc đầu gia đình cũng nghĩ vậy liền mua mấy con heo để cúng “ma rừng”, cúng làng, thế nhưng cái đầu của nó chẳng thấy nhỏ lại mà ngày càng to ra, mọi người lại càng sợ hãi, lánh xa.
Hai chị em cậu bé người ngoài hành tinh
Những người trong gia đình tui đi đến đâu, họ cũng xua đuổi vì cho rằng, nhà tui có... “ma rừng”. Buồn lắm, nhưng vì nó là cháu của mình, dù thế nào cũng phải cưu mang chứ làm sao bỏ được. Người dân trong thôn làng thì sợ cậu bé sẽ mang lại những điều xui xẻo cho họ nên không ai dám đến gần, không giao tiếp cũng như không đi làm chung với tui nữa. Thế là gia đình tui bỗng dưng cô độc, phải sống tách biệt...”.
Đang trò chuyện với ông Noi thì chị Hồ Thị Lệ, mẹ Hoài về. Vừa lau mặt cho con, vừa tâm sự với chúng tôi: “Lúc mang thai các bác sĩ bảo không nên sinh ở nhà vì có nhiều dấu hiệu bất thường, thế nên em cũng xuống trạm y tế xã sinh nở nhưng không có chuyện gì xảy ra.
Lúc mới sinh ra, cháu cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Rồi đến khi 2 tháng tuổi, em đưa cháu đi tiêm chủng thì các bác sĩ phát hiện sau đầu bé có một khối u nhưng không rõ u gì. Rồi sau đó em ẵm con xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam (TP.Tam Kỳ) để khám nhưng các bác sĩ lắc đầu không trị được. Thế là em đành đưa cháu về nhà. Mấy tháng trước em có vay mượn khắp nơi được gần 7 triệu rồi đưa cháu ra Đà Nẵng khám và điều trị, nhưng các bác sĩ ở đây bảo phải để cháu nằm lại kiểm tra lâu dài mới biết, nhưng rồi hết tiền nên em lại đưa con về”.
Không cam chịu nhìn con mình với cục u ở đầu ngày một lớn lên, chị Lệ đã ngược lên núi về nhà bán hết gia sản như thóc, bàn ghế, gỗ lạt để lấy tiền đưa bé Hoài ra tận bệnh viện ở TP.Đà Nẵng để chữa chạy nhưng kết quả ở đây cũng chẳng hề khả quan. Các bác sĩ ở đây cũng chưa thể tìm ra nguyên nhân vì sao bé bị u ở đầu như vậy.
Phận đàn bà xứ núiTrong câu chuyện đầy những giọt nước mắt về số phận éo le của bản thân mình, chị Lệ cũng cho biết, ông Noi, cha chị ngày trước đi thanh niên xung phong trên núi rừng Trà My phục vụ cho kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Khi đất nước được độc lập, ông về lại quê hương lấy vợ và sinh con. Chị Lệ là con lớn trong nhà, lập gia đình cùng anh Trần Văn Việt (Trà Mai, Nam Trà My, Quảng Nam). Sau đó chị hạ sinh lần lượt 2 đứa con. Đứa con gái đầu lòng của vợ chồng chị vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng đến đứa con thứ 2 thì lại có cái đầu to bất thường.
Các nhà hảo tâm đến thăm cậu bé Hoài
Nhiều người ở làng thấy đầu bé Hoài to kỳ lạ như vậy lại cho rằng là bị con ma rừng nó bắt. Muốn đầu bé nhỏ lại phải mổ trâu, mổ bò cúng các giàng sông, giàng suối để được tha. Nghe theo lời dân làng, chị Lệ cũng đã nhiều lần lập đàn cúng bái các thần với gà, lợn… song đầu bé càng ngày càng lớn. Nhiều người ở làng này còn cho rằng, nếu không đưa đứa bé đầu to này vào rừng vất bỏ thì có thể tai họa ập đến với gia đình chị Lệ và cả cái làng nhỏ nằm giữa rừng.
Thương con, chị Lệ đã dành riêng một góc nhà bỏ con mình vào đó và hằng ngày thui thủi chăm sóc. Nhiều hôm trời quá nóng, chị Lệ lại bế con ra đặt giữa nền nhà và đi làm rẫy cả ngày, đến bữa chị kêu chị gái của bé đầu to bón từng thìa cơm khô với muối trắng cho bé đầu to ăn.
Khi nhắc đến chồng, người phụ nữ này đã rơi lệ. Chị tâm sự trong sự ngắt quãng với giọng đau khổ: “Tôi đã đặt niềm tin không đúng chỗ. Mang tiếng là chồng nhưng từ ngày lấy nhau, chồng tôi chưa bao giờ dành thời gian cho gia đình vợ con mà suốt ngày la cà quán xá, tìm niềm vui trong men say.
Khi bé Hoài chào đời, thấy con bệnh tật anh ta không những không giúp đỡ mà còn lớn tiếng chửi mắng. Bao nhiêu tài sản có giá trị trong nhà, anh ta đem nướng hết vào bia rượu. Mỗi khi say là anh ta lại lôi tôi ra đánh, anh ta bảo tôi đem “con ma rừng” về làm khổ mọi người. Thế rồi một thời gian sau ngày Hoài chào đời, anh ta về nhà cha mẹ đẻ sinh sống. Và sau đó chẳng bao lâu anh ta đi lấy người khác, bỏ rơi giọt máu của mình, bỏ rơi người vợ đã có một thời gian dài đầu ấp tay gối như tôi!”.
Không chỉ gã chồng tệ bạc mà phía gia đình chồng cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Trong lúc con cháu mình đang lâm vào cảnh bần hàn, gia đình Việt cũng chẳng một lời quan tâm. Họ luôn viện lý do chị Lệ sinh ra con “ma rừng”, khiến Việt mắc tội với gia đình và dân làng nên người vợ này phải chịu trách nhiệm, phải tự nuôi con và đưa con đi khám bệnh. Cả gia đình chồng ngoài những lời chửi mắng thì coi như không có bất cứ mối quan hệ, sự ràng buộc nào với 3 mẹ con chị.
Bây giờ một nách 2 con nhỏ, chị Lệ rơi vào cảnh túng quẩn hơn bao giờ hết. Cha mẹ già yếu lại không có rẫy để làm, mà rẫy cũ thì ở xa đi về mất cả ngày đường nên không làm được. Thi thoảng đến mùa lúa hay mùa bắp thì chị lại thức khuya dậy sớm đi làm thuê để lấy mấy ký gạo, mấy gùi bắp mang về nấu cháo cho cả nhà cùng ăn. Vì hoàn cảnh khó khăn, nên con gái lớn của chị Lệ năm nay đã lên lớp 3 mà chẳng có tiền mua sách đi học. Thương con, chị lại đi khắp thôn làng xin sách cũ cho con đến lớp.
Thế rồi ngày qua ngày cứ 4 giờ sáng chị lại dắt con qua nhiều dốc núi để đưa con đến trường rồi trở về trông chừng đứa con bệnh tật. Khổ sở là thế nhưng mỗi khi có ai thuê mướn chị lại chắt bóp số tiền làm công ít ỏi đó để đưa con đi chữa bệnh. Thế nhưng, việc số tiền chữa trị cho bé Hoài chẳng khác gì muối bỏ bể. Đến khi hết tiền mẹ con lại bồng bế nhau về quê trong chán chường và thất vọng.