Thưởng bằng chổi chít
Do thiếu tiền mặt, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ở nông thôn có những chiêu thưởng tết rất bi hài, kiểu “có gì thưởng đó”.
Chị Nguyễn Thị Duyên (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) là công nhân một xưởng sản xuất rượu. Hỏi về thưởng tết, chị không khỏi chạnh lòng: “Năm nay nghe nói công ty làm ăn khá hơn, mức thưởng cũng có nhích hơn một chút. Tuy nhiên, công ty không thưởng bằng tiền mà thưởng rượu- sản phẩm “cây nhà lá vườn” thôi. Thay vì 2 thùng như năm trước, năm nay ông chủ quyết định thưởng tận 4 thùng”. Thôi thì “méo mó có hơn không”, có rượu ông xã đỡ phải đi mua, nhân thể làm quà biếu anh em họ hàng”.
Một doanh nghiệp ở Hải Dương thưởng tết cho công nhân bằng 20 cái chổi chí.
Cùng chung sự tủi thân, nhiều lao động chỉ ước mong công ty quy đổi hiện vật thành tiền, dẫu số tiền đó có ít ỏi vẫn tốt hơn là nhận quà về dùng. Bi hài nhất là câu chuyện của chị Hoàng Thị Quyên (xã Tân Việt, Bình Giang, Hải Dương) – công nhân một xưởng sản xuất chổi chít. “Hai năm nay, kể từ khi vào làm, năm nào xưởng cũng cho mình quà tết là 20 cái chổi. Toàn là sản phẩm mình làm ra cả, bán không hết thì xưởng cho về dùng dần. Vì nhiều quá, dùng cả năm cũng chẳng hết nên mình đem cho bạn bè, anh em. Xưởng mới thành lập nên nghèo thì phải chịu thôi”- chị Quyên buồn buồn.
Lý giải cho câu chuyện thưởng tết bằng hiện vật, một chủ cơ sở sản xuất cho rằng: “Mặc dù hiểu được mong muốn của công nhân nhưng chúng tôi cũng không biết giải quyết cách nào vì cơ sở còn nghèo quá” – anh Lê Văn Tiến, chủ cơ sở chổi thành thực nói.
Méo mó có hơn không Năm nào cũng vậy, cứ cận tết là hàng trăm công nhân của một hãng sữa có thương hiệu lại hồi hộp chờ đợi thông tin thưởng tết. Chờ mãi cũng đến hồi kết, nghe nói năm nay ngoài 7 thùng sữa tươi ra, mỗi công nhân sẽ nhận được gần 1 tháng lương về ăn tết. Sở dĩ, sếp của công ty này thoải mái như vậy là bởi có lý do tế nhị đằng sau. “Khoản tiền thưởng thì không thể không có, còn thưởng tết bằng sữa là bởi nhân dịp này sếp thanh lý số sữa sắp hết hạn sử dụng” – một nhân viên cho hay.
"Tiền thưởng thì không có quy định cụ thể là trả tiền mặt hay hiện vật. Chính vì vậy, chuyện doanh nghiệp thưởng cho người lao động bằng tiền hay hiện vật chúng ta cũng không thể can thiệp. Việc thưởng bằng hiện vật cũng xem như có một chút quà để động viên khích lệ người lao động”. Ông Tống Văn Lai - Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐTBXH)
|
Mới đây một công ty truyền thông ở Hà Nội đã quyết định thưởng cho mỗi nhân viên thùng đĩa hài – sản phẩm của công ty. Đặng Trâm Anh – nhân viên truyền thông của công ty này buồn rầu: “Tôi chỉ mong nhận đủ lương là may lắm rồi, chẳng dám mơ đến thưởng. Được thưởng đĩa, anh em mang về tự bán hoặc đem tặng bạn bè vì bỏ đi thì uổng”.
Theo ông Lưu Đức Khải - Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư- CIEM): “Lý do ngày càng có nhiều công ty thưởng tết bằng hiện vật thay cho tiền là bởi sản phẩm tiêu thụ chậm nên buộc lòng doanh nghiệp phải thưởng tết bằng hiện vật. Như vậy, doanh nghiệp vừa bớt được một khoản tiền, vừa có cơ hội quảng bá thương hiệu của công ty”. Thưởng tết bằng hiện vật thay vì tiền mặt đang được xem là một hiện tượng khá phổ biến trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.