Gần 100 năm qua, vườn trầu không chỉ là lễ vật kết duyên cho bao đôi lứa trên khắp mọi miền, mà cây trầu còn góp phần ổn định cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây.
Bà Phan Thị Năm, thường gọi là bà Năm Bỉnh, ở ấp 5, năm nay đã trên 75 tuổi vẫn ngày ngày chăm sóc vườn trầu trên 1.500 nọc. Ngồi trong vườn trầu tươi tốt, bà kể lại cơ duyên đến với cây trầu như một sự tình cờ, ấy là lúc đầu bà chỉ mua được 1 nọc trầu với giá 1 giạ lúa (20kg) trồng với mục đích lấy lá cho người thân ăn hoặc làm lễ khi có hỉ sự. Thế rồi, sự tình cờ ấy như “cái nghiệp” gắn chặt bà với cây trầu hơn 60 năm qua, giúp bà nuôi lớn 4 người con và có cuộc sống ổn định như bây giờ.
Từ trồng trầu để ăn, đã dần hình thành nên xóm trầu Vị Thủy, giúp nhiều hộ dân ổn định cuộc sống.
Gần đó, ít đất sản xuất, cả hai vợ chồng lại mắc bệnh tai biến nên 7 năm qua, 400 nọc trầu đã giúp gia đình ông Mai Văn Hồng tuy không dư dả nhiều nhưng cũng đảm bảo cuộc sống. Việc chăm sóc trầu nhẹ nhàng nên khá phù hợp với sức khỏe của ông, bà. “Sức yếu như vợ chồng tôi vẫn có thể ra nhổ cỏ, hái trầu..., thu nhập mỗi tháng cũng hơn 2 triệu đồng. Không có cây trầu không biết cuộc sống sẽ ra sao” - ông Hồng chia sẻ.
Từ thời điểm trồng để ăn, dần dần xóm trầu Vị Thủy có khoảng 200 hộ dân chuyên trồng trầu với tổng diện tích trên 30ha. Người nhiều nhất có trên 4.000 nọc trầu; người ít nhất cũng 400 nọc. Hai năm gần đây, trầu có giá thấp nhất cũng được 1.500 đồng/ốp (40 lá). Thời điểm Tết Nguyên đán có khi 4.000 - 5.000 đồng/ốp. Trung bình 1.000m2 vườn trầu cho thu nhập trên 40 triệu/năm. Bà Nguyễn Kim Diệu - thương lái trầu, cho biết: “Do trầu kén đất và không mấy nơi còn trồng nên mặt hàng này trở nên hiếm. Có bao nhiêu thương lái thu mua hết”.
Ngoài mang lại thu nhập ổn định quanh năm cho người trồng thì công việc hái và sắp trầu cũng góp phần giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ trong lúc nông nhàn với thu nhập 60.000 - 80.000 đồng/ngày.
Ông Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy cho biết: “Cây trầu rất phù hợp với những hộ nghèo ít đất và thời gian qua nó là cây góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Quan điểm của chính quyền địa phương là tiếp tục vận động người dân duy trì vườn trầu. Tuy nhiên, không khuyến khích nhân rộng diện tích ra nữa vì sợ khi ấy đầu ra không ổn định, sẽ rất khó có thu nhập cao cho người trồng”.