Những người này được tuyển lựa đưa vào trong cung làm kẻ hầu người hạ cho vua
và các hoàng hậu, phi tần trong nội cung. Về sau có một số người còn được trọng dụng, được giao
đảm trách những chức vụ, công việc nhất định trong bộ máy chính quyền, thậm chí
có người còn thao túng cả quyền lực một thời.
Trong số biết bao người mang thân phận hoạn quan đó, có những nhân vật chứa chất mưu đồ xấu, nhưng có lẽ chưa có ai “to gan, lớn mật” như viên hoạn quan Nguyễn Khắc Hài, người dám khống chế hoàng đế Lê Tương Dực, vị vua mà sau này mang biệt danh là “Trư vương” (Vua Lợn).
Trong sách Đại Việt thông sử của Lê Qúy Đôn, ở phần Nghịch thần truyện (truyện bề tôi phản ngịch) có viết về Nguyễn Khắc Hài như sau: “Nguyễn Khắc Hài không rõ quê quán ở đâu, được vào cung làm thái giám, hơi được vua Tương Dực thân quý khi mới lên ngôi. Lúc đó lòng người chưa yên, Khắc Hài ngầm có chí khác. Vào canh 3 đêm 25 tháng 4 năm Hồng Thuận thứ hai (1510), Khắc Hài đem đồng đảng làm loạn, bắt ép vua ra chơi cung Trùng Hoa, rồi lại đến chơi các điện Vạn Thọ, Cẩn Đức, Kính Thiên.
Nhà vua tỏ ý muốn nhàn hạ để cho y yên chí, bèn làm thơ quốc ngữ. Đại thần văn võ vào hầu họa thơ. Đêm khuya, có nội thần là Nguyễn Lĩnh rước vua ra hồ sen. Khắc Hài lẻn ra, lấy cái xe riêng của vua đi, để rước Hoa Khê vương lập làm vua giả. Vua sai Thọ quận công Trịnh Hựu đem quân đuổi đến Đông Hà, bắt giết được quá nửa đồng bọn của Hài, bắt được cả Khắc Hài. Dư đảng của y trốn lên núi Tam Đảo, quan quân đuổi đánh, dẹp được”.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư thì viết như sau: “Mùa hạ, tháng 4, ngày 25, đêm canh hai, hoạn quan Nguyễn Khắc Hài làm loạn, bắt hiếp vua đến cung Trùng Hoa, lại đến các điện Vạn Thọ, Cẩn Đức, Kính Thiên. Vua làm thơ quốc ngữ, các đại thần văn võ vào chầu họa lại, chỉ có Đông Các hiệu thư Trần Dực Loan hợp cách, được cho 5 quan tiền thưởng. Lúc đêm, có nội thần Nguyễn Lĩnh đón vua đến Liên Trì. Bọn phản nghịch ra ngoài, đem kiệu ngự đi đón Hoa Khê vương Tòng lập làm ngụy chúa. Vua sai Thọ quận công Trịnh Hựu đi đánh, đuổi đến phường Đông Hà, bọn phản nghịch bị giết chết quá nửa, kẻ còn sống sót băng sông qua Bồ Đề trốn vào núi Tam Đảo. Hựu sai tỳ tướng đuổi theo đánh”.
Nếu xét theo tình tiết của sự việc thì đây là một chuyện lớn, tính chất rất nghiêm trọng nhưng vì sao sử sách lại ghi chép rất sơ lược. Có rất nhiều điều chưa được rõ ràng trong sự biến đó:
- Đầu tiên là mục đích của Nguyễn Khắc Hài, viên hoạn quan này mưu đồ phế lập là do bản thân ông ta tự chủ trương hành động hay có bàn bạc, vạch kế hoạch với nhân vật nào đó, mà ở đây Hoa Khê vương Tòng (Tùng) phải chăng là chủ mưu?. Để thực hiện chuyện này, chắc chắn phải có sự chuẩn bị từ trước.
- Thứ hai, nếu tự chủ trương phế lập thì vì sao một viên hoạn quan nhỏ nhoi lại có thể tập hợp một lực lượng tương đối để có thể dễ dàng xâm nhập vào hoàng cung, khống chế cả hoàng đế. Kể cả việc bè đảng của Nguyễn Khắc Hài có nội ứng từ bên trong cũng không thể vào cung một cách thuận lợi như vậy vì khó có thể mua chuộc được cả một lực lượng cấm quân đông đảo bảo vệ. Và vì sao không có ghi chép nào về việc giao tranh giữa cấm quân và nhóm phản loạn, cũng những kẻ táo gan này lọt được vào cung như thế nào?
- Thứ ba vì sao khi đã khống chế được vua rồi mà Nguyễn Khắc Hài không thực hiện hành động nào tiếp theo trong mưu đồ của mình mà lại bắt ép vua đi hết cung điện này đến cung điện khác. Việc kéo dài thời gian như vậy để làm gì, hay ông ta đang chờ đợi một nhân vật, một sự kiện nào dự kiến sẽ xuất hiện?
- Thứ tư, sử sách chép rằng Lê Tương Dực được một số quan viên, nổi bật là vai trò của Nguyễn Lĩnh “cứu giá”, chắc chắn những người này đã thực hiện việc đánh lừa nào đó để có thể giải thoát được vua khỏi vòng cương tỏa của Nguyễn Khắc Hài. Nhưng chỉ một nhóm người không tấc sắt trong tay thì làm sao có thể giải thoát vua khỏi đám phản loạn kia, hoặc giả dụ có một lực lượng nào đó từ ngoài đến ứng cứu, đánh vào trong cung thì chắc chắn máu sẽ đổ, mà thực tế nếu có lực lượng này thì liệu họ có dám hành động mạnh mẽ trong khi hoàng đế đang nằm trong tay loạn đảng?. Vậy vua Lê Tương Dực đã thoát nạn như thế nào?
- Thứ năm, vì sao phải đến khi không còn khống chế được hoàng đế như là một con tin, lúc đó viên hoạn quan Nguyễn Khắc Hài cùng đồng bọn mới vội vàng đi đón Hoa Khê vương Lê Tùng lên làm vua để tranh giành vị thế hiệu triệu, ra lệnh cho thiên hạ. Sao lại có hành động muộn màng đến như vậy?
Thứ sáu, sau khi mưu đồ thoán đoạt, phế lập ngôi vua thất bại, nhân vật có tước Hoa Khê vương có bị xử tội hay không?, số phận ra sao không được sử sách ghi chép. Hay ông ta đã bị giết khi quân triều đình truy đuổi phản loạn?
Điều cuối cùng là ngay cả số phận của “đạo diễn” cuộc chính biến ấy là Nguyễn Khắc Hài cũng không rõ ràng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư không ghi gì về điều ấy, sách Đại Việt thông sử cho biết Nguyễn Khắc Hài bị bắt nhưng hình thức xử tội thế nào cũng không ghi chép lại. Còn theo như nội dung trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì Nguyễn Khắc Hài bị giết khi bỏ trốn cùng đồng đảng:
“Tháng 4, mùa hạ. Bọn hoạn giả Nguyễn Khắc Hài nổi loạn, bị giết chết.
Nhà vua mới lên ngôi, lòng người chưa ổn định. Nguyễn Khắc Hài, thái giám trong cung, ngầm có chí bạn nghịch. Một đêm, vào trống canh hai, nhà vua ra chơi cung Trùng Hoa, rồi lại đi chơi các điện Vạn Thọ, Kính Thiên và Cẩn Đức cùng bầy tôi theo hầu làm thơ xướng họa. Sau, Nguyễn Lĩnh, bầy tôi trong điện, lại rước nhà vua đến chơi ao sen. Lúc ấy bọn Khắc Hài ở trong cung lẻn ra, rước Hoa Khê vương tên là Tùng lập làm vua giả.
Nhà vua được tin có biến động, bèn hạ lệnh cho Thọ quận công Trịnh Hựu đem quân đánh dẹp, đuổi đến phường Đông Hà giết được Khắc Hài và quá nửa đồ đảng của hắn. Những đồ đảng còn sót lại sang qua sông chạy lên núi Tam Đảo. Trịnh Hựu sai tì tướng đuổi đánh, giết hết bọn này”.
Tất cả những gì về sự biến ấy chỉ được sách sử ghi khái lược như vậy, trong khi đó còn nhiều điều bí ẩn về sự thật nào đó phía sau câu chuyện này.