Dân Việt

Hãy kỷ luật và tự trọng

Lê Huyền 11/09/2013 12:07 GMT+7
Vậy là sau nhiều nỗ lực của Chính phủ, Bộ LĐTBXH, cánh cửa đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép lao động (EPS) đã dần mở lại, sau hơn 1 năm phía bạn ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam vì lý do bỏ trốn quá nhiều.
Có lẽ ít ai biết rằng, khởi đầu tuyển lao động đi Hàn Quốc theo Chương trình EPS (tháng 8.2004), Bộ LĐTBXH đã phải nhờ tới Bộ Quốc phòng tuyển lao động là quân nhân xuất ngũ, với mong muốn lao động đi tuân thủ kỷ luật, về nước đúng hạn. Với cách làm này, 3 năm đầu, Chương trình EPS được thực hiện khá suôn sẻ, tỷ lệ bỏ trốn ở lại rất thấp.

Tới những năm 2008-2009, việc tuyển dụng bắt đầu mở rộng, số lượng lao động xuất cảnh nhiều lên. Theo hợp đồng, số này phải về nước năm 2011-2012, thế nhưng, hơn 50% trong số này không trở về. Phía cơ quan quản lý cho rằng lao động vô kỷ luật, liên kết với nhau để bỏ trốn. Trong khi nhiều lao động cho rằng, khi Chương trình EPS thực hiện, các loại “cò” lao động bủa về các địa phương. Chương trình đưa lao động đi theo hình thức dịch vụ công với chi phí khoảng 630USD và khoảng 5-7 triệu đồng tiền học tiếng, đi lại, đồng phục… bị đẩy lên mức 5.000-7.000 USD, thậm chí cao hơn. Lao động phải chi nhiều tiền để đi XKLĐ, hết thời giạn phải bỏ trốn ở lại để kiếm thêm.

Lãnh đạo Trung tâm EPS Việt Nam đánh giá rằng, chưa tính tỷ lệ bỏ trốn, lao động Việt Nam có tỷ lệ nhảy việc, bỏ việc khi vẫn còn hợp đồng lao động lớn nhất trong số 15 nước phái cử. Điều đó cho thấy ý thức với công việc, sự tôn trọng với người chủ sử dụng lao động đã lựa chọn họ, cho họ cơ hội sang Hàn Quốc làm việc (lựa chọn trên mạng Internet) là khá thấp...

Kết quả là hơn 12.000 lao động đã đỗ kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn tháng 8.2012 bị đình lại. Trong khi đó, hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài của Hàn Quốc trong năm 2013 được công bố là trên 60.000 người. Nếu suôn sẻ, Việt Nam sẽ chiếm thị phần khá lớn trong số chỉ tiêu này (năm 2011 là 12.599 lao động). Tính thu nhập bình quân của lao động tại Hàn Quốc là trên 1.000 USD/tháng thì riêng trong năm 2013, đã có nhiều triệu USD bị bỏ phí…

Hiện, cánh cửa này đã mở, với rất nhiều biện pháp cứng rắn để lao động buộc phải về nước, trả lại cơ hội cho 12.000 người đang chờ đợi và hàng trăm ngàn lao động khác có cơ hội trong những năm tiếp theo. Các nguyên nhân dẫn tới lao động bỏ trốn đều phải được chỉ ra, phải được khắc phục, nhất là nạn “cò” hoành hành, làm khổ lao động. Nhưng còn một nguyên nhân nữa là tính kỷ luật và lòng tự trọng - nguyên nhân tự thân từ phía lao động - cũng cần được nhìn nhận. Cơ quan chức năng cần có những biện pháp (cả chế tài lẫn tuyên truyền) để những lao động ở nhiều vùng quê hiểu, việc hoàn thành hợp đồng và trở về nước cũng là một cách nâng cao vị thế lao động, nâng cao lòng tự hào dân tộc và góp phần mang lại lợi ích quốc gia…