Dân Việt

Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam: “Cho cần câu, không cho cá”

Mai Hương 03/12/2013 18:38 GMT+7
"Việt Nam hiện đã bước vào giai đoạn mới của sự phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, do vậy, theo thông lệ quốc tế, ODA ưu đãi sẽ giảm đi" - Bà Victoria Kwakwa- Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam.
Tại cuộc họp báo trước thềm Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF)- tên gọi cũ là Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) vào ngày 2.12, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh đã ví sự thay đổi này như là việc “cho cần câu chứ không cho con cá” của các đối tác phát triển của Việt Nam.

Còn theo bà Victoria Kwakwa- Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện đã bước vào giai đoạn mới của sự phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, do vậy, theo thông lệ quốc tế, ODA ưu đãi sẽ giảm đi. Việt Nam phải có một chính sách mới và quan hệ với các đối tác phát triển cũng phải chuyển sang thời kỳ mới. Đã đến lúc Việt Nam phải “tự lập” và năm 2013 chính là ngưỡng cửa cho sự thay đổi này.

Theo báo cáo của Ban thư ký VDPF 2013, Việt Nam sẽ mở rộng đối thoại với tất cả các đối tác phát triển thay vì chỉ các đối tác liên quan đến ODA. Tại diễn đàn này, ông Suzuki-Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản-một trong những người chủ trì diễn đàn cho biết, Việt Nam sẽ đối thoại các chính sách thực chất, sâu sắc về các ưu tiên phát triển trong hoạch định chiến lược phát triển của mình.

Đó là xóa đói giảm nghèo ở nhóm dân tộc ít người, sự tham gia của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công, quản lý môi trường, đào tạo nghề và tăng cường kỹ năng. Các chủ đề đối thoại và lĩnh vực hỗ trợ sẽ được lựa chọn ưu tiên hàng năm. Các cam kết tài chính không được công bố như CG trước đây mà được cam kết trong các đối thoại song phương giữa Việt Nam và các đối tác phát triển.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng khẳng định: Tổng vốn ODA cam kết được công bố hàng năm giờ không còn nhiều ý nghĩa với Việt Nam khi chúng ta đã thành nước có thu nhập trung bình thấp. Thay vào đó, các tư vấn về chính sách, đường lối sẽ trở nên quan trọng hơn là các đối tác phát triển cho Việt Nam một số tiền. “ODA sẽ không còn là nguồn vốn cho không mà Việt Nam phải biết tự vay, tự trả”- ông Vinh nói.

Tuy nhiên, do nền kinh tế Việt Nam vẫn còn kém so với mặt bằng chung nên ODA vẫn được quan tâm trong những năm tới, có thể ODA dành cho Việt Nam sẽ vẫn không giảm so với trước đây.

Thực tế, vốn ODA đã giúp Việt Nam xóa đói, giảm nghèo và phát triển thành công suốt 20 năm qua. Trong bối cảnh mới, để xóa đói giảm nghèo hiệu quả thì chúng ta sẽ không thể “cho không mãi”- ông Vinh nhấn mạnh.

Người nghèo cũng phải có “vốn đối ứng” 10-15% trong các dự án ODA sau này để buộc họ phải cân nhắc khi vay vốn làm ăn, xóa nghèo hiệu quả. Chuẩn nghèo cũng phải được nâng lên do người nghèo có kiến thức hơn nên họ phải làm được các dự án hiệu quả hơn cho mình. “Chúng ta phải chuyển nhận thức từ cho “con cá” sang cho “cần câu” để người dân tự làm và tự đứng vững trên đôi chân của mình, thay vì cho không, uống không bầu sữa mẹ mãi không chịu lớn” - ông Vinh nói.