Dân Việt

Đậm sắc thái chiếu cói "vùng sơn cước"

Nghề đan chiếu cói của người K’ho Lạch ở xã Lat đã có từ lâu đời. Nguyên liệu chính để đan là cói. Quy trình đan chiếu cói hoàn toàn thủ công, đan bằng tay không có khung.

Với đôi tay khéo léo và nhẫn nại, người K’ho Lạch đã tự tạo ra sản phẩm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình và trao đổi với các vùng lân cận hoặc du khách muốn mua làm kỷ niệm.

Cách thành phố Đà Lạt về hướng Tây Nam khoảng hơn 10 km, nằm dưới chân đỉnh Lang Biang hùng vĩ, là địa phận của xã Lát thuộc huyện Lạc Dương, nơi đây đã và đang là sứ xở của người Lạch - một nhóm cư dân người K’ho. Đây cũng là điểm đến của du khách khi đến với thành phố Đà Lạt, để khám phá nhiều điều thú vị về con người và thâm nhập vào nếp sinh hoạt văn hóa của cộng đồng tộc người nơi đây.

img

Đến nơi đây, ngoài việc du khách được thưởng thức những âm thanh vang dội của cồng chiêng, hương vị ngọt ngào của rượu cần và ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng …du khách còn được chiêm ngưỡng những sản phẩm làm ra từ đôi bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của người phụ nữ K’ho Lạch. Đó là những tấm chiếu mang đậm sắc thái của vùng sơn cước nơi đây. Sản phầm được đan bằng cây cói với đặc tính nhẹ, bền đẹp, có thể gấp nhỏ, không bị gẫy và rất thuận tiện trong vận chuyển.

Nguyên liệu để đan chiếu lấy từ lá cây cói ( người K’ho Lạch gọi là cây sụt). Loại cây mọc hoang ở trên rừng, cây sinh trưởng rất nhanh, lá dài từ 2 mét đến 3 mét. Hàng năm vào dịp mùa khô, người Lạch cắt lá cây đem về để đan chiếu.

Muốn có được một chiếc chiếu đẹp, bền, trước tiên phải biết chọn ra được những mớ cói đều, cọng khỏe, bóng tròn và không bị sâu hay nấm mốc, độ dài phải vừa đủ, các sợi đều nhau. Sau đó đem tước bỏ gai và tước lá ra thành từng sợi nhỏ với kích thước khoảng 1cm và đem phơi nắng một tuần và hong trên bếp cho thật khô. Khi sợi lá khô ngả màu vàng, họ xếp lại thành từng bó rồi đem cất vào nhà.

Đợi mùa mưa đến, sợi lá sẽ không bị khô dòn như mùa nắng, đồng thời đây là lúc nông nhàn, chị em phụ nữ đem trải những bó lá ra giữa sàn nhà, lấy thanh lồ ô hay nứa để chuốt đều những sợi lá, lá được bào mòn tạo thành những sợi mềm mại và dẻo dai.

Sau khi tạo ra được những sợi nguyên liệu, mọi người mới bắt tay vào đan chiếu. Chiếu được đan bắt đầu từ một góc đan ra, rồi phát triển theo chiều dài, rộng tùy ý. Tùy theo loại lá dài hay ngắn để dệt nên những chiếc chiếu lớn, nhỏ theo khổ lá.

Chiếu thường có hình chữ nhật với kích thước khoảng 3 mét x 2 mét. Khi đan đòi hỏi người đan phải xử lý thật tinh ý, sao cho các đường bẻ mép, bắt biên gọn gàng đều tắp và phải kéo mạnh tay thì chiếu mới đẹp, chắc và bền được.

Chiếu cói tuy chỉ là một sản phẩm thủ công thô sơ nhưng luôn có ý nghĩa quan trọng và rất thiết thực với đời sống của người K’ho Lạch. Chiếu thường được người Lạch trải ra để nằm giữa sàn nhà. Có khi, chiếc chiếu thân thuộc đi hết một vòng đời người: Từ khi sinh ra, lễ cưới, đến tang ma…

Cho đến ngày nay, người Lạch vẫn thích nằm ngủ trên chiếc chiếu cổ truyền này vì họ cho rằng: Nằm chiếu cói sẽ rất mát, nên mặc dù trên thị trường chiếu xuất hiện với đầy đủ các loại nhưng họ vẫn thích để dành một vài tấm chiếu trong nhà như một vật dụng thân thuộc không thể thay thế.