Hội thảo khoa học quốc tế “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược” diễn ra sáng 23.9, do Ban Kinh tế T.Ư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn cho rằng lạm phát thấp, nhập siêu giảm vẫn chưa thật sự là những nền tảng vững chắc… Trong khi phần lớn các nước trong khu vực đã bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng thì ở Việt Nam, sự phục hồi còn chậm. Nhiều mục tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm (2011 – 2015) có khả năng không thực hiện được...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong quá trình điều chỉnh chiến lược cần phải chỉ ra được vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và duy trì ổn định xã hội ra sao. Hiệu quả của mô hình nông thôn mới và gắn mô hình này với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thế nào? Quy mô kinh tế nhà nước, nhất là vai trò của doanh nghiệp nhà nước cần thiết đến mức nào?
Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ cũng khẳng định, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội đề ra dự kiến không đạt kế hoạch, nguy cơ dẫn đến việc tụt hậu ngày càng xa của Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực. Việc huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế.
Các ý kiến cho rằng, cần cấp thiết xác định mục tiêu tổng quát kinh tế- xã hội năm 2014-2015. Thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư toàn xã hội trong khoảng 31-32% GDP trong 2 năm tới, tăng cường các nguồn lực và sự đồng thuận của xã hội để phục hồi nền kinh tế.
Cẩn trọng hơn, đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội lại cho rằng việc thực thi các chính sách nới lỏng để kích cầu ở Việt Nam hiện nay chứa đựng nhiều rủi ro. Cơ quan này cho rằng, phải hết sức thận trọng với các chính sách kích cầu.
Bởi lạm phát ở Việt Nam rất nhạy cảm với việc nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa do những yếu kém trong cơ cấu kinh tế (sự không hiệu quả của hệ thống doanh nghiệp, các điểm nghẽn về hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực có chất lượng…) cũng như tâm lý lạm phát của người dân còn nặng nề sau một giai đoạn bất ổn vĩ mô kéo dài.