Dân Việt

Cần nhiều hơn nữa những chương trình như Kết nối Nhà khoa học - Nhà nông

Hoàng Anh – Him Lam 26/12/2013 19:29 GMT+7
“Chúng tôi rất cần và cần nhiều hơn nữa những chương trình như thế này từ các cơ quan tổ chức để giúp nông dân thoát nghèo”.

Đó là lời khẳng định của bác Nguyễn Văn Khiêm – nông dân xã Quê Mỹ Thạnh – huyện Tân Trụ, tỉnh Long An sau khi kết thúc chương trình “kết nối nhà khoa học – nhà nông” sáng ngày 26.12.2013.

img

Vào lúc 9h ngày 26.12.2013 tại hội trường xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đã diễn ra chương trình “kết nối nhà khoa học – nhà nông.

Chương trình giao lưu kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ đã thu hút gần 200 nông dân 2 xã Quê Mỹ Thạnh và Mỹ Bình tham gia. Với hình thức trao đổi trực tiếp được thực hiện giữa các nhà khoa học và nông dân 2 xã, buổi giao lưu đã được đông đảo bà con hưởng ứng hết sức nhiệt tình.

Tại buổi giao lưu đã có rất nhiều câu hỏi được bà con đưa ra, hầu hết tất cả đều tập trung vào việc trồng cây, nuôi con gì cho phù hợp thế mạnh của địa phương, đồng thời giải quyết được đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó là cách phòng chống dịch bệnh trên một số cây trồng, vật nuôi tại địa phương.

Những gợi mở liên kết giữa nhà nông - nhà khoa học thế nào để gia tăng chuỗi giá trị sản xuất - chế biến, nhân lên nhiều cách làm hay, hiệu quả đã được chuyên gia Nguyễn Lân Hùng và Tiến sĩ Đỗ Trung Bình - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học đất Viện KHKT Nông nghiệp miền nam, Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An, ông Phạm Minh Hùng - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Long An giải đáp cặn kẽ.

Theo ý kiến của người dân, tất cả nông dân ở đây đều rất thiếu thốn về kiến thức nên rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Mở đầu cho màn hỏi đáp sôi nổi là một câu hỏi rất phát biểu của bà Nguyễn Thị Bình – nông dân xã Quê Mỹ Thạnh: “Làm thế nào để nâng cao năng suất cây trồng mà có thể tiết kiêmk đươc chi phí cho nông dân?”

Là người trực tiếp giải đáp thắc mắc này, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho rằng, hiện nay có rất nhiều loại thuốc hóa học giúp tăng năng suất cây trồng, thế nhưng điều đó không mang lại hiệu quả lâu dài. Cách tốt nhất, nông dân nên tận dụng những loại phân, chất hữu cơ để chăm bón cho cây trồng của mình. Đây là biện pháp an toàn mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài.

Cũng đến từ xã Quê Mỹ Thạnh, ông Nguyễn Văn Bạch trăn trở: "Khi thu hoạch hoa màu, làm cách nào để đạt sản lượng cao mà không ảnh hưởng đến năng suất đợt sau?". Câu hỏi này đã được chuyên gia Nguyễn Lân Hùng giải đáp rất cặn kẽ: Đối với một số loại hoa màu như rau muống và các loại rau khác, khi thu hoạch không nên cắt quá gần phần ngọn vì làm như thế sẽ khiến cây mau già, năng suất kém. Chúng ta phải cắt càng gần phần gốc càng tốt.

Trong khi đó, ông Trần Văn Nghiêm, nông dân xã Mỹ Bình hỏi: "Ở đây đa số nước đều có phèn xanh, đất thì chịu ảnh hưởng nhiều từ nước và phân. Vậy theo các nhà khoa học, tốt nhất nên dùng loại phân bón nào cho phù hợp?".

Tiến sĩ Đỗ Trung Bình cho biết, Đất rất quan trong nhưng trước tiên là nước. Nước bị nhiễm phèn thì chúng ta có thể ém phèn (khi mưa, chúng ta lập tức xả nước). Bên cạnh đó chúng ta có thể dùng phân lân hoặc vôi bón để rửa phèn.

Trong khi cả hội trường ai cũng chăm chú lắng nghe lời giải đáp của các chuyên gia cho đến khi ông Nguyễn Văn Hậu, nông dân xã Mỹ Bình bức xúc: “Tôi rất biết ơn các nhà tài trợ, các cơ quan chức năng đã tổ chức chương trình ý nghĩa này. Thế nhưng hiện nay, ngoài kiến thức ra, nông dân chúng tôi còn bị lái thương ép giá rất nhiều cho nên năng suất cao mà giá thấp thì cũng như không. Các chuyên gia có cách nào giúp chúng tôi thoát khỏi cảnh này không?”

Kết thúc câu hỏi là một tràng pháo tay thật lớn dành cho ông Hậu. Đây được đánh giá một trong những vấn đề được nông dân quan tâm nhất hiện nay, một câu hỏi mà nhiều người rất quan tâm. Ông Lê Minh Hùng (chủ tịch hội nông dân tỉnh Long An) nói: "Chúng tôi hiểu được nỗi khổ của người nông dân. Nhà nước chúng ta cũng đã có thực hiện các giải pháp ngăn chặn tình trạng trên trong gần mười năm qua. Thế nhưng nhà nước cũng không thể làm hết tất cả mọi việc mà phải nhờ đến sự đồng lòng giúp đỡ của nhiều phía. Không phải các cấp lãnh đạo không biết điều đó mà nó thật sự là việc không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nhà nước đang nỗ lực hết sức để giúp người nông dân thoát nghèo".

Hơn 2 tiếng đồng hồ trôi qua trong tích tắc, sau rất nhiều chia sẻ, giải đáp các thắc mắc của các chuyên gia, chương trình đã “kết nối nhà khoa học – nhà nông” lần thứ 2 đã khép lại trong sự hoan nghênh của đông đảo nông dân. Vẫn còn đó rất nhiều câu hỏi mà bà con đang mong muốn được giải đáp. Nhiều người cố xin chương trình kéo dài them ít phút để được nghe tư vấn. Đó là một tín hiệu rất vui cho tất cả mọi người: nhà khoa học, nhà nông và nhà tổ chức chương trình.