Thông tin này đã được báo Le Parisien của Pháp đăng ngày 3-1
Sự phục hồi kỳ diệu của kinh tế
Việt Nam dẫn đầu danh sách các quốc gia lạc quan nhất, với hơn 70% số người dân tham gia khảo sát bày tỏ triển vọng phát triển kinh tế trong năm 2011, bỏ xa Trung Quốc, Brazil và Peru.
Các nhà phân tích của Viện BVA nhấn mạnh, sự kỳ diệu về kinh tế là yếu tố nâng cao tinh thần và nêu ra những thành tựu đáng nể của Việt Nam như tốc độ tăng GDP trên 6,8%, lợi nhuận của Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines tăng gấp đôi, khai trương thêm một sân bay quốc tế ở Cần Thơ.
Trong vòng 15 năm, số người nghèo khó giảm tới 15 triệu. Tính từ năm 1960 đến nay, tuổi thọ trung bình tăng thêm 27 năm, phụ nữ Việt Nam có tuổi thọ trung bình trên 73. Ở cấp tiểu học, tỉ lệ trẻ em đến trường gần đạt 100%. Việt Nam còn đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê vối và đứng hàng thứ hai về hàng dệt may được bán trên thị trường Mỹ.
Chuyên gia Céline Bracq thuộc BVA nhận định, nhờ theo đuổi mô hình kinh tế thị trường kể từ khi tiến hành cải tổ năm 1986, mở cửa với bên ngoài, Việt Nam đã tạo được đà năng động về kinh tế. Nhờ đó Việt Nam nằm trong số nhiều nước đang trỗi dậy, không những vượt qua khủng hoảng tốt mà còn tranh thủ cơ hội để phát triển.
Phát triển kinh tế là một trong yếu tố khiến người Việt lạc quan về tương lai |
Vẫn theo BVA, tình hình Việt Nam hiện nay có một điểm "đen": Nợ tăng vọt. Do vậy vừa qua, hai công ty xếp hạng tín dụng quốc tế là Standard & Poors và Moodys đã hạ điểm xếp hạng tín dụng của Việt Nam. Nhìn về tương lai, có tới 70% số người Việt được hỏi cho biết, là họ tin tưởng vào sự phồn thịnh kinh tế trong năm 2011, trong khi tỉ lệ chung trên thế giới chỉ là 30%.
Niềm lạc quan có thực
Chuyên gia kinh tế học Suiwah Leung thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) mới đây nhận định, Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong một trạng thái tốt hơn so với hầu hết các nước khác cùng quy mô trong khu vực, với tỉ lệ tăng trưởng 5,3% năm 2009. Trong suốt năm 2010, những chính sách hỗ trợ tăng trưởng đã mang lại những tỉ lệ tăng trưởng ước tính khoảng 6,7%.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần có một gói chính sách kinh tế vĩ mô toàn diện, kể cả củng cố tài chính, nhằm thuyết phục thị trường rằng Chính phủ nhận thức được những rủi ro đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô và đang quản lý những rủi ro đó một cách thích hợp. Cũng theo ông Leung, hai thập niên cải cách kinh tế và sự toàn cầu hóa đã biến Việt Nam thành một nước có mức thu nhập trung bình với một khu vực tư nhân trong nước đang tăng trưởng nhanh chóng.
Nếu những chủ trương cải cách vẫn được tiếp tục, những cải cách tương đối nhanh trong những thể chế kinh tế vĩ mô chủ chốt có thể diễn ra trong vòng 2 tới 3 năm nữa. Điều này có thể cải thiện việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam và khả năng của Chính phủ nhằm truyền đạt quan điểm chính sách tới thị trường.
Theo ông Leung, nếu làm được như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của mình và người Việt có thể lạc quan về tương lai phát triển của đất nước.
Quang Minh (tổng hợp)