Việc quy định các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, đặt hàng, liên kết với người sản xuất lúa mới được làm đầu mối xuất khẩu gạo trước hết là để tránh tình trạng doanh nghiệp mua bán giấy phép xuất khẩu, lũng đoạn, làm giá, cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu gạo. Quy định này không những giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn gạo, mà nông dân cũng có thị trường tiêu thụ ổn định hơn, tránh bị ép cấp, ép giá.
Có nguồn nguyên liệu ổn định, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong chế biến gạo xuất khẩu
Chúng tôi cũng đưa ra lộ trình phù hợp để doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo chủ động vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa. Quan điểm của chúng tôi là không khuyến khích doanh nghiệp làm thương mại đơn thuần. Các quy định mới này sẽ tạo “màng lọc” để loại bỏ các doanh nghiệp không đủ năng lực, hạn chế thấp nhất việc các doanh nghiệp chỉ kinh doanh thương mại tham gia xuất khẩu gạo. Doanh nghiệp liên kết với nông dân hoặc các chủ thể trong chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị hạt gạo là hướng đi phù hợp với tình hình thị trường hiện nay. Quy định này không là mệnh lệnh hành chính mà là đòi hỏi của thị trường. Bản thân các doanh nghiệp buộc phải tham gia vào sản xuất mới có thể tồn tại được.
Bộ NNPTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng ít nhất một vùng nguyên liệu đảm bảo đủ lúa cung cấp ít nhất 15% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng năm 2013, từ năm 2014 – 2015 phải đảm bảo ít nhất 50% lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng và sau 2015 là 80% trở lên.