Dân Việt

100.000 tấn ngô nhập khẩu bị ách tại cảng

01/03/2011 06:21 GMT+7
(Dân Viêt) - Do sự tắc trách của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đang gặp thiệt hại lớn.

Do phát hiện có mối mọt trong ngô và khô đậu tương trong một số tàu nhập khẩu từ Ấn Độ về, đầu tháng 1 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) đã có công văn yêu cầu tái xuất các lô hàng mà không cho xử lý hun trùng như đề nghị của Hiệp hội. Chính điều này đã khiến hơn 100.000 tấn thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đã không được thông quan, gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

img
 

Các doanh nghiệp kêu cứu

Theo công văn kiến nghị mới nhất, mà các doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ NNPTNT, từ đầu tháng 2, một số doanh nghiệp như Công ty CP Quang Minh, Công ty Greedfeed Việt Nam… đã nhập khẩu một số lượng lớn ngô hạt và khô đậu tương từ Ấn Độ về Việt Nam để làm nguyên liệu sản xuất TĂCN.

Trước đây, chính Cục Bảo vệ thực vật đã đồng ý cho phép các doanh nghiệp khắc phục tình trạng bị mọt bằng cách xử lý hun trùng, nhưng không hiểu sao lần này Cục lại kiến nghị với Bộ NNPTNT đề nghị tái xuất.

Trong số này, có 3 tàu đang ách lại tại cảng Hải Phòng, 1 tàu ách lại tại cảng Sài Gòn. Ban đầu, số hàng này đã được Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 kiểm tra và phát hiện có một số mọt trên hàng hoá, nên đã yêu cầu tái xuất hàng về nơi sản xuất.

Ông Trần Thanh Quang - Uỷ viên Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho biết: “Tính đến thời điểm này, đã có ít nhất 100.000 tấn TĂCN của 19 doanh nghiệp nhập khẩu đang bị ách tại cảng, không được cho bốc dỡ lên bờ để thông quan, chưa kể một số tàu đang trở về. Trước đây, chính Cục Bảo vệ thực vật đã đồng ý cho phép các doanh nghiệp khắc phục tình trạng này bằng cách xử lý hun trùng, nhưng không hiểu sao lần này Cục lại kiến nghị với Bộ NNPTNT đề nghị tái xuất”.

Ông Quang cho biết: “Kiến nghị của Cục Bảo vệ thực vật thực chất là thủ tục hành chính quá máy móc, việc này không chỉ gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp, mà còn sẽ tác động mạnh lên mặt thị trường TĂCN, bằng chứng là do không có nguyên liệu mà trong gần 1 tháng trở lại đây, giá ngô trong nước đã tăng từ 6.500 lên 7.500 đồng/kg.

Nếu buộc phải tái xuất, tình hình còn nghiêm trọng hơn, vì đến tháng 3 sẽ không còn nguyên liệu để sản xuất TĂCN, sẽ khiến thị trường TĂCN bị khan hiếm nặng, điều này chắc chắn sẽ còn đẩy giá thực phẩm lên cao hơn nữa”. Hiện, theo ước tính của các doanh nghiệp, nếu buộc phải tái xuất, bình quân mỗi tàu đang chịu lỗ tới 100 tỷ đồng.

Cần sớm cho thông quan

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho biết: “Lúc này đang là tháng giáp hạt, giá nguyên liệu TĂCN trong nước đang ở mức cao, các nhà máy sản xuất TĂCN đang khan hiếm nguyên liệu, cộng với tỷ giá hối đoái giữa USD và VND đang ở mức cao, nếu buộc tái xuất sẽ đẩy giá thực phẩm lên cao, tiềm ẩn nguy cơ gây lạm phát mạnh”.

Do đó, Hiệp hội TĂCN đã kiến nghị Bộ NNPTNT cho phép xử lý tình thế tình trạng này bằng cách, trong cùng một chuyến tàu, nếu hầm tàu nào không bị nhiễm mọt dùng các biện pháp kỹ thuật để giải phóng hàng, cho thông quan, không nhất thiết một hầm tàu có mọt thì bắt tái xuất cả tàu. Đối với những tàu nhỏ cho hun trùng bình thường, còn tàu lớn cho hun trùng bằng cách chuyển sang các sà lan để xử lý.

Về lâu dài, theo ông Lịch: “Bộ NNPTNT cần làm việc trực tiếp với Bộ Nông nghiệp Ấn Độ về việc xử lý hun trùng mọt. Bởi trong trường hợp, nếu chúng ta không nhập khẩu ngô và khô đậu tương từ Ấn Độ nữa, chi phí nhập khẩu sẽ tăng rất cao, hiện nếu nhập từ Ấn Độ về chỉ mất có 15-20 ngày, trong khi nhập từ Mỹ hoặc Argentina phải mất từ 35-50 ngày, giá lại cao hơn 35-40 USD/tấn so với hàng nhập từ Ấn Độ”.