Hàng rong tập trung đông nhất vẫn là trước cổng trường học, bệnh viện, xung quanh các công trường, nhà máy, các khu dân cư... Cứ vào giờ tan ca, tan trường là học sinh, người lao động lại sà vào ăn uống khá nhộn nhịp, đông vui. Dọc hè phố, ở đầu các ngõ ngách, không thể đếm hết những gánh hàng rong rất mất vệ sinh.
Ở Hà Nội có rất nhiều những quán ăn vỉa hè như thế này. |
Chị Thu Thuỷ (sinh viên Trường ĐH KHXH&NV) nói rằng, dù biết thức ăn trên vỉa hè mất vệ sinh, nhưng vẫn ăn vì thức ăn vừa rẻ lại thuận tiện. Khi thấy bóng dáng cảnh sát trật tự, những người bán hàng dọn đồ chạy làm nhốn nháo cả một đoạn đường. Cảnh sát đi khỏi thì mọi chuyện đâu lại vào đấy.
Ai không kiếm được chỗ thì quẩy gánh, đẩy xe bán dạo khắp nơi. Buôn bán cả ngày nhưng trên những gánh hàng rong, xe đẩy này chỉ có vài xô nước rửa bát, đĩa, đũa “phục vụ” hàng trăm khách. Thức ăn cặn thừa thì gặp đâu đổ đấy khiến đường phố càng thêm mất vệ sinh.
Suốt các đường phố thuộc phạm vi phố cổ quận Hoàn Kiếm, khu vực quận Hai Bà Trưng, quận Đống Đa, Ba Đình… từ sáng đến tối có hàng nghìn hàng quán bán rong lấn chiếm lòng lề đường. Đi ra các khu vực Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ… cũng có vô số các quán bán bánh rán, bún đậu, nem rán… Bên cạnh bếp đun nấu là bàn ghế nhếch nhác, nền đất bẩn thỉu, rác xả tứ tung ruồi bâu nhặng bấu...
Dù thực tế nhiều nguy cơ, thiếu an toàn nhưng thức ăn đường phố vẫn được nhìn nhận như một nhu cầu thiết yếu cho đời sống đô thị hiện nay. Tuy nhiên, các hàng quán này cần được sắp xếp bố trí lại cho phù hợp để kiểm tra, quản lý chặt chẽ. Điều quan trọng nhất là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để tránh gây ngộ độc cho người tiêu dùng, mặt khác việc buôn bán không làm ảnh hưởng giao thông.
Hoài Thu (Trường ĐH Y tế công cộng)