Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trong những năm qua, ngành dược Việt Nam đã cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân, thuốc sản xuất trong nước đã chiếm gần 50% thị phần dược phẩm.
Từ những cơ sở sản xuất, cung ứng nhỏ, đến nay ngành dược đã xây dựng được một hệ thống tương đối hoàn chỉnh từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối thuốc tới tận người bệnh. Đặc biệt, với nhiều giải pháp, ngành dược đã hướng đến cộng đồng cư dân nghèo sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng thuốc, thể hiện trên giá thuốc hợp lý và chất lượng thuốc tốt, ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước. Đảm bảo các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, bà mẹ, trẻ em, người già có đủ thuốc phòng bệnh, chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế hoặc miễn phí do ngân sách Nhà nước chi trả.
Hệ thống phân phối thuốc được quy hoạch và quản lý trên cơ sở tuân thủ những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và theo hướng cung ứng thuốc khoa học và hợp lý, đảm bảo cho người dân tiếp cận với thuốc một cách thuận lợi, dễ dàng trong mọi tình huống. Trong đó, các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, người nghèo, phụ nữ, trẻ em và người già là nhóm người được chú trọng ưu tiên để dễ dàng mua được thuốc đảm bảo chất lượng và có giá rẻ.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, ngành dược Việt Nam phát triển với trình độ công nghệ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông- Nam Á. Đến năm 2030, ngành dược Việt Nam phải đạt được những tiêu chuẩn của các nước phát triển trên thế giới trong lĩnh vực dược.