Dân Việt

Người ám sát hụt Ngô Đình Diệm - Người chiến thắng trở về

Đại Dương (Dòng Đời) 31/12/2013 10:01 GMT+7
Sau phát súng định mệnh ấy, tuy không giết chết Ngô Đình Diệm nhưng ông Trí đã bị bắt và nhanh chóng được đưa về Sài Gòn bằng một chuyến xe đặc biệt, bị biệt giam chờ ngày hành quyết.
Trong khoảng thời gian 3 năm sau đó, ông liên tục bị chuyển trại giam, bị tra tấn xét hỏi với mong muốn ông phải khai ra những người chỉ huy, người ra lệnh hoặc giúp đỡ mình. Lúc này, trong mắt nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm, ông Trí vẫn là một tín đồ của đạo Cao Đài cuồng giáo đi giết Ngô tổng thống để trả thù cho giáo chủ Cao Đài chứ không ai biết ông là một chiến sĩ cách mạng.
Căn nhà ông Trí ở hiện nay
Căn nhà ông Trí ở hiện nay

Người tử tù không chết

Mặc dù phải chịu nhiều cực hình, tra tấn nhưng bằng quyết tâm và nghị lực phi thường, ông Trí nhất quyết không khai ra những người đồng đội của mình. Tuy nhiên, để những tay mật thám ở nha cảnh sát thực sự tin ông chỉ đơn thuần là tín đồ hành động một cách bột phát, ông Trí đã phải vận dụng hết những kiến thức và hiểu biết của mình về đạo Cao Đài để chiếm được lòng tin của chúng.

Thế nên, sau nhiều lần tra khảo không đem lại kết quả gì mới mẻ, chúng quyết định tuyên án tử hình ông bằng… miệng mà không cần xét hỏi, tòa án hay phán quyết gì. Đây là một kết cuộc mà bản thân ông cũng như nhiều người đồng chí đã hình dung ra, đã chuẩn bị sẵn tâm lý bởi đơn giản, đã dám ra tay ám sát tổng thống đương nhiệm thì kết cục khó có thể khác được.

Tuy nhiên Ngô Đình Diệm đã không để ông Trí chết một cách dễ dàng mà tạo ra một kịch bản độc ác có một không ai, ấy là một mặt tuyên bố sẽ đưa ông, cùng với hàng trăm người tù chính trị phản đối mình ra Côn Đảo để giam giữ nhưng lại lén lút đưa một máy bay chở nhiều bom, đạn nhằm nhấn chìm chiếc tàu ấy cùng hàng trăm mạng người kia rồi dựng kịch bản một tai nạn thiên nhiên.

Kể về chuyện này, ông Trí vừa uống thêm ngụm nước, nhìn ra những giỏ lan màu tím trước sân đang đung đưa trong gió, vừa nhớ lại. Đó là những ngày giữa tháng 10.1963, tôi đang bị biệt giam tại khu A1 ở nhà giam Chí Hòa, nơi dành cho những tử tù thì được lệnh chuyển trại, phải di chuyển ra Côn Đảo.

Cũng trong ngày hôm ấy, tôi bị áp giải đến bến cảng Sài Gòn, nơi có con tàu Hàn Giang 401 đã đậu sẵn ở đấy rồi. Lúc này, tôi mới biết đây chính là chuyến tàu sẽ đưa những người tù bị kết án tử hình ra ngoài Côn Đảo hành quyết. Trong bản danh sách những người chịu án tử là 41 người thì có tới 40 người là thuộc phe đối lập với anh em nhà họ Ngô và một tên cướp.

Dù không có tên trong danh sách ấy nhưng tôi vẫn bị đẩy lên chuyến tàu này. Sau đó tôi mới biết rằng, không chỉ riêng tôi mà hơn 300 tù nhân khác, là những chiến sĩ cách mạng và những người từng âm mưu lật đổ Ngô Đình Diệm trước đó mấy năm cũng bị đưa lên đây.

Tổng số tù nhân có mặt trên tàu Hàn Giang 401 này khoảng 400 người. Sau khi khởi hành được nửa ngày, đến đêm hôm đó, khi chiếc chiến hạm đang lênh đênh trên biển khơi mênh mông thì mọi người trên tàu nghe thấy tiếng máy bay vù vù trên đầu.

Chạy lên khoang, tất cả đều nghĩ rằng đó chỉ đơn giản là chiếc máy bay mà chính quyền dùng để áp giải chiếc chiến hạm với rất nhiều phần tử đối lập mà thôi. Tuy nhiên, khi chiếc máy bay bật đèn xanh, hạ thấp độ cao thì mọi người vô cùng hoảng hốt, la hét và định nhảy xuống biển bởi đó là tín hiệu báo chuẩn bị… bỏ bom.

Khi ấy, suy nghĩ duy nhất mà ai cũng có thể hình dung ra là Ngô Đình Diệm đã “gom” tất cả những người tù, mà thực ra là những kẻ chống đối lại y rồi “ra tay” một lúc. Tuy nhiên, đột nhiên chiếc máy bay chao mạnh, lắc lư một hồi rồi vút lên không, bay đi mất dạng mà không ai biết vì sao.

Sau này, khi đã được tự do, tôi mới biết chính xác diễn biến sự việc của đêm hôm đó. Tất cả là do Ngô Đình Nhu, em trai của Diệm đã mật lệnh cho một viên tướng chỉ huy đội bay chở đầy bom xuất phát từ lãnh thổ Campuchia với nhiệm vụ “xóa sổ” chiếc chiến hạm Hàn Giang 401 và mấy trăm con người kia.

Tuy nhiên, tất cả đều nằm ngoài dự tính của Nhu bởi viên sĩ quan này lại thuộc nhóm thân Mỹ, đang có ý định lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm nên anh ta đã bất tuân thượng lệnh vào đúng giây phút cuối cùng.

Nhưng, đến ngay cả bây giờ, sau khi tất cả mọi biến cố đi qua, ông Trí cũng không hiểu tại sao anh em Diệm, Nhu lại phải bày ra một kịch bản với nhiều tình tiết có xác suất không thành công cao như vậy trong khi bọn chúng hoàn toàn có thể thủ tiêu tất cả những người tù này bằng nhiều cách khác đơn giản hơn trong lúc giam giữ, bởi mọi người đều đã bị bắt, sống nhiều ngày trong các nhà tù tối tăm rồi.

Có lẽ, đó là một câu hỏi mà ẩn số của nó vĩnh viễn không ai có thể biết bởi chỉ sau sự kiện ấy ít hôm, 2 người bày ra kịch bản ấy là Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị chính những thủ hạ của mình lật đổ, giết chết, đem theo vô vàn bí ẩn của lịch sử xuống lòng đất sâu.

Những năm tháng yên bình

Ở Côn Đảo, cũng như hàng ngàn tù nhân khác, ông Trí cũng bị nhốt vào những chuồng cọp "danh tiếng" với nhiều cuộc tra tấn tàn bạo và khốc liệt. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau khi ông đặt chân lên hòn đảo này, ở đất liền, tin tức được loan đi, anh em Diệm, Nhu đã bị những tướng tá thuộc hạ của mình đảo chính và giết chết, kết thúc quãng thời gian gần mười năm cầm quyền theo kiểu gia đình trị này.
Ông Hà Minh Trí trong một lần gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ông Hà Minh Trí trong một lần gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Khi ấy, tướng Dương Văn Minh lên làm Quốc trưởng, thay thế Ngô Đình Diệm và ông Hà Minh Trí cùng với nhiều người thuộc phe đối lập anh em họ Ngô trước kia được đưa trở lại đất liền.

Tuy nhiên, trong khi những tù nhân khác - vì mang tội chống Ngô - đã được thả tự do thì ông Trí vẫn bị giam ở Tổng nha Cảnh sát. Có điều, không như những tháng ngày trước, giờ ông chỉ bị giam lỏng, vẫn có thể đi ra sân mỗi buổi chiều để hít thở khí trời.

Nhiều lần, bản thân ông đã có những thắc mắc với Tổng nha Cảnh sát mình chỉ đơn thuần là một người chống Diệm, bây giờ Diệm đã chết, mình đương nhiên sẽ hết tội. Tuy nhiên, đáp lại nguyện vọng của ông, cảnh sát trưởng chỉ cho biết đang chờ lệnh từ cấp trên mà thôi.

Những tháng ngày sau khi anh em Diệm, Nhu chết, tình hình chính trị ở Sài Gòn hết sức rối ren bởi các phe cánh luôn muốn tranh giành quyền lực, muốn nắm giữ các chức vụ chủ chốt. Chính vì thế, chỉ một thời gian ngắn sau khi nắm quyền, Dương Văn Minh đã bị tướng Nguyễn Khánh đảo chính.

Rồi cũng chỉ ít tháng sau, Nguyễn Khánh lại bị phe của Phan Khắc Sửu lật đổ, giành lấy chính quyền vào năm 1964. Sau khi lên nắm quyền, Phan Khắc Sửu - một tín đồ của đạo Cao Đài - đã quyết định thả tự do cho Hà Minh Trí dưới áp lực của dư luận báo chí và luật sư Ngô Bá Thành.

Đó là những ngày đầu tháng 3.1963, sau hơn 8 năm bị tù đày vì phát súng ám sát Ngô Đình Diệm trên Tây nguyên, ông đã chính thức trở thành người tự do. Và, cũng rất nhanh, sau khi ra tù có 3 ngày, ông đã liên lạc được với những đồng đội cũ của mình và được đưa về công tác ở Khu ủy Sài Gòn-Gia Định nằm tại địa phận huyện Củ Chi, tiếp tục hoạt động phục vụ cho phong trào cách mạng miền Nam thời bấy giờ.

Tại nơi công tác mới, nhằm đảm bảo tính bí mật của tổ chức, từ đầu năm 1965, ông được đổi tên là Phan Văn Điền, công tác tại Ban an ninh Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, chính thức đứng trong hàng ngũ lực lượng Công an nhân dân. Về sau, khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, do đặc thù công tác, ông lại được điều chuyển về Tây Ninh với nhiệm vụ là Phó ban Nội chính tỉnh Tây Ninh.

Đến năm 1992, ông tiếp tục công tác ở vị trí Trưởng ban Tuyên giáo Tây Ninh cho tới năm 1999 thì nghỉ hưu theo chế độ. Từ đó đến nay, ông sống cùng gia đình ở một gian nhà nhỏ nằm trên địa bàn thị xã Tây Ninh với những năm tháng yên bình, bỏ lại đằng sau một quãng đời, cũng là một thời lịch sử hoạt động đầy biến động và bất khuất.

Và vinh dự đã đến với ông vào năm 2005, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân, ông Phan Văn Điền, tức Hà Minh Trí đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vì những thành tích, vì đã cống hiến gần như cả cuộc đời mình cho nhân dân.

Ông chia sẻ với chúng tôi, những năm cuối đời này, khi con cháu đều đã trưởng thành và khôn lớn, ông luôn cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống hạnh phúc của mình. Ông cũng vừa trải qua một đợt tai biến khá nguy hiểm nhưng đã được các y, bác sĩ tận tình cứu giúp nên sức khỏe đã hồi phục rất nhiều.