Luôn được đánh giá là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh nhưng có lẽ nhiều bà mẹ trẻ ở Trung Quốc lo giữ gìn vóc dáng nên đã bỏ qua chuyện cho con bú sữa mẹ. Lo ngại vấn đề này, thời gian gần đây Trung Quốc đã nỗ lực kêu gọi các bà mẹ tích cực cho con bú sữa mẹ. Và một loại hình dịch vụ mới xuất hiện: mát-xa ngực cho phụ nữ để họ có nhiều sữa hơn cho con. Dịch vụ này cũng nhiều chuyện dở khóc dở cười.
Nghề “vắt sữa”Yang Jun 29 tuổi người Puyang (tỉnh Hà Nam) là một trong 3 nam chuyên viên mát-xa ngực phụ nữ duy nhất của toàn Trung Quốc (TQ). Anh đi học nghề này hồi tháng 7, nhưng dù tốt nghiệp hạng ưu, cho đến nay mới chỉ có 2 người mẹ mới sinh chịu trả số tiền (20 bảng) mỗi lần anh xoa bóp ngực họ (90 phút/lần) để ngực tiết ra nhiều sữa cho con họ bú. Vì lẽ đó, anh phải mở một tiệm uốn tóc, xem nghề giúp “vắt sữa” của mình là công việc thời vụ.
Chuyên viên giúp “vắt sữa”
Yang giải thích: “Tôi bắt đầu nghĩ mình chọn không đúng nghề. Các ông chồng TQ luôn đa nghi như Tào Tháo. Tất cả các đồng nghiệp nữ của tôi đều có hàng trăm khách, nhưng ngay khi các ông chồng biết tôi là đàn ông, họ cấm tôi không được làm nghề.
Yang khẳng định anh là một chuyên viên giỏi, chỉ cần người ta cho anh cơ hội làm nghề: “Tôi đã học vật lý trị liệu, mát-xa, châm cứu và tôi đậu cao. Các ông nên nghĩ tôi là y sĩ hay y tá thì đúng hơn”. Yang còn cho biết lúc đầu, bạn gái anh cũng không chịu cho anh học nghề này vì cô ghen và nghĩ bậy rằng anh thích “bóp vú thiên hạ”, nhưng cuối cùng anh thuyết phục được cô rằng “đó là một nghề chính đáng”. Cha mẹ anh ban đầu cũng không chấp nhận khi biết cậu con trai chọn cái nghề “vắt sữa” đàn bà.
Theo thống kê, ở TQ chỉ có gần 30% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ (tỷ lệ toàn cầu là 40%). Dù có nhiều người mẹ trẻ biết giá trị của sữa mẹ nhưng không phải ai cũng đủ sữa cho con bú, vì thế mới có nghề mới ra đời: huấn luyện cách cho bú nhưng thực chất là nghề giúp “vắt sữa”. Khi bị thiếu sữa hoặc không biết cách cho bú sữa, các bà mẹ sẽ được tư vấn của các chuyên viên giúp cho bú đúng cách và chỉ cách mát-xa.
Chuyên viên Ma Wei kể, khi con gái cô chào đời, sữa cô bị tắc. Lúc này cô mới biết có chuyên viên mát-xa vú để sữa chảy tốt hơn. Năm 2011, khi con đi học nhà trẻ, Ma quyết học nghề này, lấy được bằng chứng nhận và bắt đầu hành nghề, ban đầu là giúp bạn, người quen: mát-xa, hướng dẫn cách cho bú và cách dinh dưỡng. Hiện Ma khá có tiếng. Cô cho biết nghề "giúp vắt sữa” hiện phổ biến, nhiều người phát danh thiếp tự giới thiệu ở các bệnh viện phụ sản và rao dịch vụ trên mạng internet.
Nam chuyên viên Jang Jun thực tập mát-xa ngực
Mỗi ngày Ma phục vụ được 5 khách, mỗi khách cũng thu được 64 - 80USD và hiện cô đã có một cửa hàng với 8 nhân viên. Bà mẹ trẻ 2 con Zhang Yushi ở Thành Đô (Tứ Xuyên) nói nhu cầu nhờ chuyên viên hiện rất cao, người ta sẵn sàng chi tiền mua dịch vụ này. Zhang đã mở tổ chức phi chính phủ, với tên Nhà mẹ cho con bú, giúp hàng trăm bà mẹ ở Thành Đô và các thành phố lân cận, không tính những người xin tư vấn qua internet.
Đời sống khá giả nên người ta cũng sẵn sàng bỏ tiền mua dịch vụ này, nhất là khi biết sự hỗ trợ này có lợi cho cả mẹ lẫn con. Jia Tao vừa sinh con được 3 tháng, đã tìm chuyên viên mát-xa vú từ tháng trước với giá 400 tệ/lần. Cô nói giá khá đắt nhưng cha mẹ cô chịu chi. Ông bố nói: “Con gái tôi cảm thấy khỏe hơn sau cuộc mát-xa”, và cho biết thêm ông quyết không nhờ đến bệnh viện vì bác sĩ và y tá ở đó quá nhiều việc, không chăm sóc tận tâm và cũng không đủ sự kiên nhẫn. Jia từng bị tắc tuyến sữa và sốt nhẹ. Cô đã thử dùng ống bơm mà không thông. Từ đó cô tìm đến dịch vụ này.
Gặp phải “chuyên viên đểu”Xu Yang, khoa phụ sản Bệnh viện Trung-Nhật hữu nghị (Bắc Kinh) nói: “Nhiều người mẹ nhét bình sữa cho con khi không thể cho bú sữa mẹ. Như thế là sai hoàn toàn vì trẻ sẽ quen với bình sữa, không chịu sữa mẹ nữa. Sự lựa chọn tốt nhất là khuyến khích con bú sữa mẹ ngay cả khi con khóc, và sử dụng muỗng thìa để cho con bú khi con đói. Nhưng ở các gia đình mà cha mẹ và ông bà quá cưng con cháu, họ đầu hàng sớm khi đứa trẻ khóc ầm ĩ”.
Lai Shasha 29 tuổi cãi lộn với chồng khi sữa cô không chảy thông, và người chồng muốn con uống sữa bột. Cô “thua” vì chồng có sự ủng hộ của bạn bè, gia đình và thậm chí của cả y tá ở khoa phụ sản trên. Nhưng em bé bị lẫn lộn giữa hai dòng sữa rồi sau đó không chịu bú sữa mẹ, nên Lai phải nhờ đến chuyên viên giúp “vắt sữa”. Người này khắc phục sự nghẽn sữa thì con cô lại bú mẹ.
Song cũng có những bà mẹ gặp phải “chuyên viên đểu” khiến họ khổ sở. Wu Shasha 28 tuổi sinh con trai năm ngoái , sau một ngày mới có sữa. Sau đó nó chảy thất thường cho dù Wu ăn đủ loại món để kích thích vú tiết sữa. Cô cũng dùng ống bơm nhưng mọi sự càng tệ hơn. Cô nhờ chuyên viên mát-xa ngực nhưng dù sữa nhiều hơn nhưng ngực cô đau rần và bị viêm vú.
Wu đi khám thì được biết sữa nhiễm trùng do mát-xa quá mạnh. Cuối cùng cô gặp được một chuyên viên giỏi giúp cô vượt qua chuyện này. Wu nói: “Chẳng có tiêu chuẩn chuyên môn chính thức cho các chuyên viên, có nhiều chuyên viên vô trách nhiệm, không được đào tạo đàng hoàng”. Đó là một bài học đắng cho Wu. Cô khuyên các bà mẹ nên cẩn thận khi tìm chuyên viên giúp “vắt sữa”.
Đại gia cũng đòi “ti” Việc các người mẹ trẻ thuê người khác cho con họ “bú ké” cũng đang tăng ở TQ, do các mẹ không muốn dùng sữa bột nhưng lại không thể “tự sản xuất” sữa mẹ hoặc vì sợ việc cho con bú làm xấu ngực. Theo một nhân viên giúp tìm người cho “bú ké” ở Thâm Quyến, hoạt động này tăng 20% mỗi năm. Nhưng theo Nhật báo Thượng Hải hồi tháng 7, nhiều trọc phú TQ sẵn sàng chi khoảng 8.000 tệ (1.303USD) để thuê nhiều bà mẹ trẻ cho “bú ké”, hoặc “nếm thử” sữa của các cô.
Một số bà mẹ trẻ TQ "bán sữa" của mình để kiếm tiền
Các tay nhà giàu này “kết” sữa mẹ vì cho rằng giúp họ tăng cường sinh lực. Tay môi giới Lin Jun cho biết ông nào muốn uống sữa mẹ phải trả tiền công “dẫn mối” 6.000 tệ (978USD) cho anh ta, sau đó, người mẹ và khách hàng gặp nhau để thỏa thuận giá mua-bán và “hình thức bú sữa”: bú trực tiếp hay vắt sữa từ ngực. Lin tiết lộ một số bà mẹ trẻ bán sữa có thể kiếm được 120.000 tệ (19.500 USD) trong vòng 8 tháng sau khi đã “bo” cho người môi giới.
Lin tiếp thị: “Sữa mẹ là loại thuốc bổ tốt nhất cho những ai vừa trải qua một ca đại phẫu. Nếu cần thiết, khách hàng có thể bú trực tiếp sữa mẹ từ các bà mẹ trẻ”. Anh ta cho hay đa số các bà mẹ trẻ cho bú thuê xuất thân từ những vùng nông thôn, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Họ không hề phản đối bất kỳ yêu cầu “bú sữa mẹ” từ phía khách hàng miễn là họ được trả đủ tiền, theo Lin.
He Mei, một mẹ trẻ 25 tuổi từng "bán sữa" kiểu này, cho biết do chồng cô làm công nhân với mức lương 2.000 tệ (326USD)/tháng nên không đủ lo cho gia đình, cô đành theo dịch vụ này để kiếm tiền nuôi con. He cho biết cô kiếm được khoảng 8.500 tệ (1.400USD)/tháng.
Gần đây, chính phủ TQ đặt mục tiêu nâng tỷ lệ mẹ cho con bú lên ít nhất 50% từ năm 2020.
Y tá Yang Xiaoping có 24 năm kinh nghiệm ở khoa sản Bệnh viện Tiantan nói: tỷ lệ mẹ cho con bú bắt đầu giảm từ những năm 1970 khi có sữa hộp và xuống thấp trong thập niên 1980 do chiến dịch tiếp thị sữa bột ồ ạt khiến người ta tin loại sữa hộp này có nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Theo tổ chức thiện nguyện Cứu trẻ em (Anh), 40% các bà mẹ ở TQ đều được nhân viên các hãng thức ăn trẻ em liên hệ trực tiếp để chào hàng. Số trẻ bị béo phì tăng vọt ở TQ cũng có thể liên quan việc sử dụng sữa hộp, một chuyên gia dinh dưỡng Úc: “Họ “oanh tạc” bằng các quảng cáo sữa hộp và các mẹ đều muốn điều tốt nhất cho con. Đó là đều đáng báo động”. |