Dân Việt

Xét nghiệm... máu biết giàu nghèo

Tri thức trẻ/Telegraph 06/08/2013 06:20 GMT+7
Không cần xem vân tay. Chẳng cần bói bài. Nói không với mê tín. Chỉ cần xét nghiệm máu có thể dự đoán được giàu nghèo. Bởi một số nhà khoa học cho rằng, một số loại hóa chất "chỉ xuất hiện ở những người giàu có"!
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc ĐH Exeter (Anh) đã chỉ ra rằng, những thành phần hóa học trong cơ thể người có thể dự đoán người đó giàu hay nghèo.

Trưởng nhóm nghiên cứu Jessica Tyrell làm việc tại trung tâm nghiên cứu môi trường và sức khỏe con người châu Âu thuộc ĐH Exeter cho biết: "Có sự hiện diện khá nhiều thành phần hóa học tích tụ trong cơ thể mỗi người, nhưng quan trọng hơn, một số loại hóa chất chỉ xuất hiện ở những người giàu có".

Biết được giàu hay nghèo qua xét nghiệm... máu 1
Hàm lượng thủy ngân và asen đến từ hải sản xuất hiện nhiều trong cơ thể những người có mức thu nhập cao.

Cụ thể hơn, ở những người có mức độ thu nhập cao, hàm lượng thủy ngân và asen đến từ hải sản cùng với tali, axit perfluorooctanoic axit và perfluorononaoic ở nồng độ cao. Hay như Benzophenone-3 - một chất có trong kem chống nắng hoặc Mono (carboxyoctyl) phthalate - được tìm thấy ở các bao bì đựng thực phẩm hay sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng chỉ ra cá nhân đó thu nhập và địa vị cao trong xã hội.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận thấy hóa chất liên quan đến thuốc lá hay hàm lượng chì, cadmium (1 kim loại nặng hiện diện trong đất, gây ung thư), hay phthalates - hợp chất thường thấy ở các sản phẩm nhựa tồn tại trong máu của người có thu nhập thấp. Điều này cho thấy, rất có thể, những người này đã sống và làm việc trong các ngành công nghiệp nặng.

Tiến sĩ Tyrrell cho biết: "Hàng ngày, sự tiếp xúc với hóa chất đang ngày một tăng lên và do đó, cơ thể của chúng ta cũng "nạp"nhiều hơn hỗn hợp hóa học phức tạp. Không những thế, tình trạng kinh tế xã hội thấp sẽ khiến một số lượng lớn người bị nhiễm hóa chất độc có hại đến cơ thể.

Hiện nay, chúng ta biết rất ít về các tác hại của hóa chất hỗn hợp trong cơ thể. Lý thuyết được đưa ra mới chỉ tập trung nghiên cứu người nghèo bởi họ có nguy cơ nhiễm cao. Tuy nhiên, ngay cả những người có điều kiện kinh tế cao cũng khó tránh được sự nhiễm hóa chất độc hại xuất hiện trong vật dụng hàng ngày như chảo chống dính, thực phẩm... Do đó, chúng tôi cho rằng, cần có sự kiểm tra toàn diện chứ không chỉ nên nhìn vào những cá nhân nghèo".