Chuyện bắt đầu hơn ba tuần trước khi một tờ báo Hong Kong tên là Wen Wei Po đã xuất bản một bài báo có tiêu đề lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un đã ra lệnh cho chú ông là Jang Song-thaek cùng 5 phụ tá thân cận bị lột truồng và ném vào cũi trước 120 con chó bị bỏ đói trong nhiều ngày, trước sự chứng kiến của ông Kim. Đó là thông tin được tờ báo này đăng tải và không ghi bất kỳ nguồn nào. Đến ngày 24.12.2013 nó mới được một tờ báo khác của Singapore trích dẫn lại và lập tức lan nhanh như vũ bão trên khắp thế giới.
Trên tờ The Times, tác giả Ching Cheong viết, thông tin kinh khủng này cho thấy tính cách tàn bạo của nhà lãnh đạo trẻ.
Trong khi đó, Tim Stanley của báo Telegraph nhấn mạnh câu chuyện này mang đầy tính “kích thích hấp dẫn người đọc”, và đã đi quá mức đến nỗi phi lý. Ông viết: “Chuyện đó quá điên rồ, nó quá khủng khiếp đển nỗi bạn không thể tin bất cứ điều gì bạn được nghe kể về nó.”
Tác giả Max Fisher của báo Washington Post cũng có bài viết chỉ ra năm điểm chính giải đáp hầu hết những nghi vấn xung quanh câu chuyện này.
“Thực tế là truyền thông phương Tây đã hào phóng chấp nhận một câu chuyện mà nếu xuất phát từ một quốc gia nào khác thì họ đã phủ định nó. Câu chuyện khám phá rất nhiều điều về đất nước Triều Tiên và rằng họ đã bị hiểu nhầm như thế nào.”
Ông Fisher cũng nói rằng truyền thông phương Tây thường viết về các kiểu truyện kỳ quái, vì như vậy sẽ thu hút sự chú ý của độc giả. Ông dẫn lời biên tập Chad O’Carroll của NKNews.org nói rằng: “Chúng ta biết rằng những câu chuyện về Triều Tiên thường gây shock, vì vậy không khó hiểu tại sao các biên tập viên luôn muốn chạy theo những câu chuyện kiểu như thế này.”
Theo báo Infonet, có ít nhất 5 dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy đây là một tin bịa đặt và vô lý:
Tờ Wen Wei Po phát hành tại Hong Kong là nơi khởi nguồn của câu chuyện này và đáng nực cười là nó cũng chỉ tồn tại dưới dạng “nghe nói thế” hay thậm chí là chẳng có nguồn tin nào đáng kể. Ngoại trừ một vài tờ báo nghiêm túc có tiếng, giới báo chí Hong Kong vốn đã có tiếng là thường xuyên đăng tải những câu chuyện rất nhảm nhí, lá cải và hiếm khi nào là sự thật.
Điều đáng nực cười hơn nữa là trong một “mặt bằng báo chí” thấp đến như thế mà tờ Wen Wei Po vẫn còn bị độc giả Hong Kong đánh giá là tờ báo “không đáng tin nhất”, bị xếp thứ 19 về mức độ tin cậy trong một nghiên cứu gần đây.
Thứ hai, truyền thông Trung Quốc cũng không hề có chữ nào trong suốt cả tháng qua? Một số người thậm chí còn nại ra rằng về bản chất và lịch sử, tờ Wen Wei Po là một tờ “thân chính phủ Trung Quốc” và nếu có ai đó biết rõ mọi chuyện ở Bình Nhưỡng thì đó phải là Bắc Kinh nên Wen Wei Po “chắc là” có nguồn tin đáng tin cậy.
Có điều, chỉ mỗi mình Wen Wei Po đưa tin ông chú dượng bị hành quyết bằng 120 con chó đói còn các tờ khác thân thiết với chính phủ Bắc Kinh hơn rất nhiều như Tân Hoa Xã, Nhân dân nhật báo hay thậm chí là Thời báo Hoàn cầu… lại chỉ khẳng định Jang Song Thaek bị xử tử bằng súng máy hay cùng lắm là súng phòng không. Rõ ràng là trong vụ thanh trừng nội bộ này của Triều Tiên, Bắc Kinh đã bày tỏ sự khó chịu vậy thì chẳng có lý do gì họ phải giấu tin “120 con chó đói” với các tờ báo khác của mình.
Thứ ba, giới truyền thông Hàn Quốc cũng tỏ ra hoàn toàn không biết gì về tin này. "Câu chuyện này, nếu có thực, khó mà thoát khỏi tay giới truyền thông Hàn Quốc vì họ có nhiều lý do để đưa nó hơn cả”, Chad O'Carroll, người đang điều hành trang tin NKNews.org (trang chuyên về tin tức liên quan đến tình hình Triều Tiên) nói, "Có một lý do khác là những tin đồn kiểu này đã có từ rất lâu rồi nhưng chẳng có ai thèm để ý vì nó quá hoang đường”.
Thứ tư, câu chuyện kiểu này đã “lang thang khắp nơi” suốt cả tháng mà vẫn không hề có một nguồn nào xác tín hay khẳng định. Điều này còn chưa đáng ngạc nhiên rằng tại sao gần như toàn bộ giới truyền thông châu Á, chẳng có ai thèm kiểm chứng hay mảy may nghi ngờ rằng nó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Thứ năm, cứ giả sử như câu chuyện 120 con chó đói là có thật thì cũng phải hiểu một điều rằng vụ hành quyết không thể thực hiện một cách bí mật trong bóng tối vì nó sẽ mất “tính răn đe” – cái đích mà Kim Jong-un hướng tới khi loại bỏ vị công thần này. Và không có nguồn tin nào nói rằng Jang Song Thaek bị hành quyết bằng chó mà chỉ có những nguồn tin rất đáng tin cậy cho biết ông ta bị xử bắn bằng súng máy.
"Ông ta bị đưa ra tòa án binh, và điều logic hơn cả là ông ta bị hành quyết bằng súng”, O'Carroll nói và khẳng định các nguồn tin tình báo Hàn Quốc cũng xác nhận việc này.
Tác giả Joshua Keating của báo Slate viết: “Sẽ đơn giản hơn nếu chính phủ Triều Tiên công khai nhận định về những câu chuyện như thế này, nhưng đó lại là vương quốc của những nhà ẩn dật.” (ý nói Triều Tiên là một đất nước cô lập, bí ẩn).
Trong trường hợp này, Triều Tiên đã góp phần vào việc thỏa mãn mong mỏi của “khán giả” làm tăng độ tin cậy cho câu chuyện này. Trước đây, truyền thông Triều Tiên đã phát đi một video cho thấy hình nộm của Lee Muyng-bak, cựu Tổng thống Hàn Quốc đã bị đưa cho các con chó tấn công, bị xe tăng đi qua và bị những những người biểu tình ném đá. Hình ảnh thì được sử dụng làm đích bắn cho quân lính Triều Tiên.
Sau khi ông Jang bị thanh trừ trong một cuộc họp vào ngày 8.12, thông tấn xã Triều Tiên đã trích lời một số người dân “cắt thân thể kẻ phản quốc thành các mảnh và ném vào nồi nước sôi.” Trong khi đó, tòa án quân đội Triều Tiên kết án tử hình ông, và tuyên bố những kẻ phản bội như ông Kim “nên được xử tử mà không cần có nơi chôn cất” Một vài thông tin phía Hàn Quốc chưa được xác nhận nói rằng, ông đã bị xử tử bằng súng máy hay súng cối và thi thể được tiêu tan bằng súng phun lửa.
Ông Joshua Keating viết, câu chuyện trên như là một chút “thỏa mãn lòng thèm thuồng của các cư dân mạng”, “chính phủ Triều Tiên đã làm quá nhiều điều kỳ dị và chắc chắn một vài trong số đó là sự thật, đúng không?”.