Dân Việt

Hệ thống cảnh báo sóng thần đang đình trệ

Minh Nguyệt (thực hiện) 30/10/2013 06:53 GMT+7
Ông Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Cảnh báo động đất và sóng thần (Viện Vật lý địa cầu Việt Nam) lo ngại Việt Nam khó có khả năng ứng phó với sóng thần, nếu có.
Đó là cảnh báo của ông Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Cảnh báo động đất và sóng thần (Viện Vật lý địa cầu Việt Nam). Trao đổi với NTNN, ông Phương lo ngại Việt Nam khó có khả năng ứng phó với sóng thần, nếu có.

Ông Phương cho biết: Một loạt các nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu và các nhà khoa học trong khu vực cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể bị sóng thần tấn công. Động đất, sóng thần khởi nguồn từ phía Tây biển của Philippines hoàn toàn có thể đe dọa các tỉnh miền Trung Việt Nam. Đây chính là nơi mà ta có thể phải lo ngại vì mức độ dày đặc của động đất, sóng thần. Sau 2 giờ đồng hồ, khu vực miền Trung có thể bị tấn công bởi các cơn động đất và sóng thần của khu vực này.

Ông Nguyễn Hồng Phương (phải) và các chuyên gia bàn về cảnh báo sóng thần.
Ông Nguyễn Hồng Phương (phải) và các chuyên gia bàn về cảnh báo sóng thần.

Việc nâng cấp mạng lưới quan trắc động đất, xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần đã triển khai tới đâu rồi, thưa ông?

- Trong khuôn khổ về cảnh báo động đất và sóng thần ở Việt Nam hiện nay đang có 2 đề án quan trọng. Một là đề án nâng cấp mạng lưới quan trắc động đất do Viện Vật lý địa cầu làm; hai là dự án xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần, động đất vùng ven biển do Viettel và Bộ NNPTNT triển khai. Dự án do Viện Vật lý địa cầu làm đặt mục tiêu tới năm 2015 sẽ lắp đặt thành công 30 trạm quan trắc, được trang bị hệ thống máy móc tối tân, có khả năng nắm bắt và truyền dữ liệu về viện vật lý địa cầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này ngoài 7 trạm quan trắc cũ từ nguồn viện trợ quốc tế, chúng ta mới chỉ lắp thêm được 5 trạm quan trắc, nâng tổng số trạm quan trắc lên 12 trạm trên cả nước. Đáng tiếc là dự án xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần ven biển sau một thời gian thử nghiệm lại đang phải dừng lại.

Nếu dự án này không triển khai, khả năng nào sẽ xảy ra?

"Hiện Trung Quốc đang tiến hành xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần phục vụ nghiên cứu khoa học, cảnh báo động đất và sóng thần trong toàn khu vực Thái Bình Dương và Biển Đông. Trong khi Việt Nam bị tác động trực tiếp từ các thảm họa sóng thần (nếu có) ở Biển Đông thì lại chưa có hệ thống cảnh báo đủ mạnh".
Ông Nguyễn Hồng Phương

- Theo Dự án, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã khảo sát 28 tỉnh, thành ven biển và cho biết hệ thống có thể lắp đặt ở 900 điểm. Việc xây dựng hệ thống báo động trực canh tại khu vực ven biển, chủ trì là Bộ NNPTNT do Viettel thực hiện, đã lắp đặt thí điểm 10 trạm trực canh tại vùng ven biển Đà Nẵng. Hiện nay, chúng tôi có trách nhiệm phát hiện và cảnh báo động đất. Quy trình sẽ do Viện Vật lý địa cầu phát đi tín hiệu ở tất cả các trạm trực canh ở ven biển. Sau một thời gian thử nghiệm, dự án này đang ngừng lại. Nguyên nhân chắc do khó khăn về tài chính.

Vậy nếu có thảm họa, khả năng cảnh báo hiện tại của chúng ta thế nào?

- Cảnh báo quốc tế thì không vấn đề gì. Hiện nay có hai hệ thống cảnh báo sóng thần: Một là của toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, có 43 thành viên của UNESCO đều có trung tâm tiếp nhận cảnh báo riêng. Ngoài ra có 2 trung tâm cảnh báo chính ở Nhật và Hawaii, ngay khi có tín hiệu về động đất, sóng thần, các tín hiệu này sẽ được truyền tới trung tâm cảnh báo các nước. Hệ thống thứ hai là hệ thống đặt tại 43 quốc gia, trong đó có Trung tâm Cảnh báo sóng thần ở Việt Nam. Khi có thông tin, các trung tâm sẽ đồng loạt truyền tin tới hệ thống cảnh báo sóng thần, trạm trực canh, Ủy ban Phòng chống cứu nạn… Ngay sau đó, hệ thống cảnh báo sóng thần sẽ phát đi các tín hiệu bằng nhiều kênh tới người dân. Tuy nhiên, nếu chúng ta không hoàn thiện hệ thống cảnh báo ven biển thì việc tiếp nhận thông tin quốc tế và cảnh báo phát đi từ Trung tâm không có ý nghĩa gì.

Xin cảm ơn ông!