Dân Việt

“Thâm cung bí sử” trong cơ quan gián điệp Triều Tiên bị hé lộ

Khám Phá 02/09/2013 19:38 GMT+7
Trong cuốn hồi ký mới được xuất bản gần đây, cựu điệp viên Triều Tiên Kim Dong-Sik đã cung cấp những thông tin thú vị hé lộ những bí mật “thâm cung bí sử” trong cơ quan gián điệp của Triều Tiên.
Ông Kim cho hay bên cạnh các khóa học chế tạo bom, chương trình huấn luyện điệp viên chuyên sâu ở Triều Tiên còn yêu cầu học viên phải ghi nhớ hàng trăm bài hát và vũ điệu nhạc pop của Hàn Quốc.

Cựu điệp viên Triều Tiên Kim Dong-Sik.
Cựu điệp viên Triều Tiên Kim Dong-Sik.

Những chương trình huấn luyện trang bị cho các điệp viên tương lai các kỹ năng cần thiết để có thể hòa nhập vào xã hội Hàn Quốc này được cho là tối quan trọng để tránh cho các điệp viên bị nghi ngờ.

Trong cuốn hồi ký của mình, ông Kim nhớ lại thời điểm được cơ quan tình báo Triều Tiên lựa chọn khi ông mới 17 tuổi, và sau đó vào học tại Học viện quân sự chính trị Kumsong ở Bình Nhưỡng.

Ông là một trong số 200 học sinh được lựa chọn mỗi năm sau một cuộc tìm kiếm trên toàn quốc, trong đó tiêu chuẩn để được tuyển chọn là ngoại hình, hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn và hơn hết là lòng trung thành tuyệt đối đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Điệp viên Triều Tiên phải trải qua chương trình huấn luyện rất khắc nghiệt
Điệp viên Triều Tiên phải trải qua chương trình huấn luyện rất khắc nghiệt

Các học viên xuất sắc này không được phép rời khỏi trường hay liên lạc với bất cứ ai bên ngoài, thậm chí với cả gia đình.

Trường hợp ngoại lệ duy nhất là những tấm thiệp chúc mừng năm mới mà họ được phép gửi về nhà nhưng không được đề địa chỉ phản hồi.

Hàng ngày, họ phải trải qua các khóa huấn luyện chuyên sâu về nhiều kỹ năng, từ võ thuật, vũ khí, chế tạo bom cho tới trèo tường, địa chất, mã Morse và định vị hàng hải, bên cạnh các môn học bắt buộc về tư tưởng.

Hàng chục người đã bị đào thải qua các chương trình huấn luyện căng thẳng, tuy nhiên Kim vẫn trụ vững với hy vọng rằng mình sẽ được thăng tiến nhanh chóng trong Đảng Lao động Triều Tiên.

Sau khi các học viên tốt nghiệp, cơ quan tình báo Triều Tiên lại chú trọng vào việc huấn luyện cho họ cách hòa mình vào người dân địa phương.

Những người Triều Tiên bị bắt cóc và quay trở lại được Triều Tiên trở thành các huấn luyện viên hướng dẫn họ cách phát âm sao cho đúng giọng và hiểu được văn hóa chính trị, xã hội ở đất nước Hàn Quốc.

Họ cũng phải ghi nhớ các bài hát và vũ điệu phổ biến, cùng với tên tuổi và sự nghiệp của những ngôi sao truyền hình và các nhân vật thể thao nổi tiếng.

Sau gần 10 năm huấn luyện, cuối cùng Kim cũng được giao thực hiện nhiệm vụ đầu tiên và được cử đi Triều Tiên vào năm 1990 để tuyển mộ một số nhà hoạt động cánh tả cũng như tìm cách đưa điệp viên lão luyện Ri Son-Sil đang điều hành một mạng lưới tình báo rộng lớn ở Hàn Quốc trở về Triều Tiên.

Hai năm sau, tên của bà Ri trở thành một đề tài nóng trên các tờ báo Hàn Quốc sau khi hàng chục nhà hoạt động cánh tả bị bắt và bị cáo buộc hợp tác với điệp viên này để làm gián điệp cho Triều Tiên trong những năm 1980.

Ông Kim cho biết: “Các nhà hoạt động này là các mục tiêu quan trọng vì họ có thể cung cấp những thông tin vô giá và giúp định hướng dư luận có lợi cho Triều Tiên nếu họ luồn được vào trong chính giới.”

Nhiệm vụ của ông thành công và ông được tặng huân chương “Anh hùng Cộng hòa” đầy danh giá khi trở về Triều Tiên.

Năm 1995, ông được đưa trở lại Hàn Quốc trong một đội gồm 2 người để tìm mọi cách, kể cả dùng vũ lực nếu cần thiết, đưa một điệp viên trong vỏ bọc một nhà sư trở về Triều Tiên vì ông này bị nghi ngờ làm điệp viên hai mang cho cơ quan tình báo Hàn Quốc.

Thế nhưng nhiệm vụ lần này thất bại và cả hai bị lực lượng an ninh Hàn Quốc truy đuổi. Sau một trận đấu súng quyết liệt, người đồng đội của Kim bị bắn hạ, còn ông này bị thương và bị bắt.

Ông Kim không chịu tiết lộ bất cứ thông tin nào về 4 năm ông bị cơ quan tình báo quân sự Hàn Quốc giam giữ, chỉ nói rằng đó là quãng thời gian “rất khó khăn”.

Cuối cùng, ông thoát án tù sau khi chấp nhận trở thành một chuyên gia phân tích tình báo cho Hàn Quốc.