Dân Việt

“Kinh tế Việt Nam đứng thứ 42 là quá yếu!”

Mai Hương 19/07/2013 06:53 GMT+7
"Với quy mô dân số thứ 13 thế giới, tương xứng ở mức trung bình thôi thì Việt Nam cũng phải là nền kinh tế lớn thứ 13 mới quý. Còn đứng thứ 42 theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) thì là quá yếu".
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên NTNN xung quanh công bố Bảng xếp hạng 177 nền kinh tế của WB mới đây.
Thưa ông, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo ngang giá sức mua tương đương 322 tỷ USD, kinh tế Việt Nam đã được WB xếp đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore) và thứ 42 trên thế giới. Điều này có ý nghĩa như thế nào?
Lao động từ các DN công nghiệp chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế (ảnh minh họa).
Lao động từ các DN công nghiệp chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế (ảnh minh họa).

- Nước mình đứng về quy mô dân số hiện đứng thứ 13 trên thế giới, nên tương xứng thì nền kinh tế Việt Nam cũng phải xếp thứ 13 trên thế giới mới phải, nhưng Việt Nam lại xếp tận thứ 42 thì cho thấy nền kinh tế Việt Nam quá yếu kém.
Cụ thể là yếu kém như thế nào, thưa ông?
- Nước càng đông dân thì thường là GDP càng lớn. WB tính bằng tổng GDP. GDP nói chung (tổng) có một ý nghĩa là nó thể hiện sức mạnh kinh tế nói chung của một quốc gia. GDP mà WB đưa vào tính không phản ánh người dân nước đó giàu hay nghèo, các chính sách kinh tế vận hành hiệu quả hay không hiệu quả. Khi xếp hạng, họ đánh giá GDP/đầu người. Mà "đầu người" ở Việt Nam đứng thứ 13 lẽ ra tương xứng thì Việt Nam cũng phải đứng thứ 13 về GDP.
Singapore có dân số thấp hơn nhiều so với Việt Nam nhưng họ vẫn đứng trên Việt Nam về xếp hạng, thưa ông?
- Singapore có dân số chỉ 6 triệu người nhưng GDP tính trên đầu người của họ là 50.000 USD/người, còn Việt Nam hiện là 1.500 USD. Điều này chứng tỏ Singapore hơn hẳn chúng ta, sức mạnh kinh tế nói chung hơn hẳn chúng ta. Xếp hạng này cho thấy một vị trí tương đối của giá trị tuyệt đối của GDP.

Theo bảng xếp hạng được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố cuối tuần trước, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP (tính theo ngang giá sức mua) năm ngoái đạt gần 15.700 tỷ USD. Theo sau là Trung Quốc với khoảng 12.500 tỷ USD, Ấn Độ - 4.800 tỷ USD và Nhật Bản - 4.500 tỷ USD. Nga đã vượt qua Đức (3.300 tỷ USD) để chiếm vị trí nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với 3.400 tỷ USD.
Tại khu vực Đông Nam Á, nước có xếp hạng cao nhất là Indonesia (16) với hơn 1.223 tỷ USD. Theo sau là Thái Lan (21) với hơn 655 tỷ USD, Malaysia (26), Philippines (29) và Singapore (39).


Nói như vậy thì xếp hạng này không có nhiều ý nghĩa, thưa ông?
- Rất có ý nghĩa là khác. Đó là ý nghĩa về vị thế, độ lớn của nền kinh tế mỗi nước. Dân số lớn mà GDP thấp thì nước đó yếu và ngược lại. Lãnh đạo các nước chỉ cần hiểu một cách tổng thể như thế là đủ và họ sẽ tự hoạch định các chính sách cho phát triển đất nước.
Quay trở lại quan điểm của ông là Việt Nam quá yếu, theo ông thì Việt Nam phải làm thế nào để cải thiện thứ hạng tương xứng với quy mô dân số?
- Chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện được thứ hạng của mình trong vài năm tới để có GDP ở mức 1.000 tỷ USD (bằng 1/8 Trung Quốc - nước có khoảng 1,3 tỷ dân). Ví dụ, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đầu tư rất nhiều, đóng góp rất nhiều cho GDP nhưng cái mà người dân Việt Nam được hưởng chỉ là lương đi làm thuê thôi.

FDI phải tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam, cho người dân Việt Nam thì đóng góp vào GDP của họ mới thực sự tốt. Việt Nam phải tạo cho mình chính sách này chứ không ai làm thay được. Phải làm sao để tổng GDP của VN ngày càng lớn hơn.
Xin cảm ơn ông!