Đây là một cuộc "cách mạng" từ bỏ hủ tục tang ma của người Mông.
Từ bỏ hủ tục ma chayLà người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở bản Pha Đén (Pù Nhi) nhưng ông Lâu Minh Pó - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Lát, vẫn không khỏi ái ngại mỗi lần tham dự những đám tang của dân tộc mình.
Làm lễ trong đám tang.
Theo quan niệm của người Mông, việc lo tang ma cho người chết sẽ có ảnh hưởng tới những người đang sống. Nếu lo tang ma không chu đáo, thì gia đình, dòng họ, thậm chí cả bản làng phải gánh chịu hậu quả tai ương... "Chính vì vậy, việc thay đổi phong tục, hay nói cách khác là xóa bỏ hủ tục trong tang ma của người Mông chúng tôi vô cùng khó khăn. Trước đây, mỗi khi trong bản có người qua đời, thì gia đình phải đặt xác người chết trên cáng, treo sát vách gian nhà giữa để cúng tế từ 5-7 ngày. Khi xác chết đã chuyển sang giai đoạn phân hủy mới mang đi chôn"- ông Pó cho hay.
Trong thời gian lễ tang, mỗi ngày gia đình phải cúng cơm 3 bữa. Khi người thân đến viếng, phải mang theo một con gà đã luộc chín, cơm, rượu để cúng tế người chết. Con trai, gái của người quá cố đã lập gia đình phải góp một con trâu hoặc con bò để báo hiếu cha, mẹ… Tại nơi chôn cất người chết, người ta đào huyệt (hố), xẻ thân cây thành ván ghép lại dưới huyệt, đặt thi thể người chết xuống đó và chôn cất. Tập tục này khiến một bộ phận người Mông, đặc biệt là lớp người trẻ, lo lắng cho vấn đề đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho mọi nguời.
Tín hiệu mừngHồi đầu tháng 6 vừa qua, cụ Lâu Chứ Dơ, 66 tuổi ở bản Pha Đén, là người Mông đầu tiên ở Thanh Hóa, sau khi chết được đưa vào quan tài, với các nghi thức tang ma tổ chức theo nếp sống văn hóa mới, đảm bảo vệ sinh. Đám tang ấy được ví như một cuộc "cách mạng" trong nhận thức của người Mông ở Thanh Hóa.
"Đám tang cụ Dơ là tín hiệu mừng trong việc vận động bà con đồng bào Mông xóa bỏ hủ tục ma chay". Ông Lầu Thanh Va - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mường Lát
|
Ông Lương Minh Thông - Bí thư Huyện ủy Mường Lát, cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin của gia đình cụ Dơ muốn thực hiện nếp sống mới trong tang ma, huyện đã cử đoàn công tác đến tận nhà người quá cố để tham gia lo tang ma. Đích thân ông đã đến gia đình cụ Dơ để trực tiếp chỉ đạo công tác này. Đây là đám ma đầu tiên của người Mông đồng ý chôn cất người chết với quan tài, nên huyện đã có những chính sách hỗ trợ gia đình cụ Dơ 3 triệu đồng, để thuê người làm quan tài, hỗ trợ các khâu lễ nghi, đưa ma…".
Khi đám tang cụ Dơ được tổ chức theo nếp sống văn hóa mới, tất cả các trưởng dòng họ người Mông trên địa bàn huyện Mường Lát, Quan Sơn và Quan Hóa đều tìm về đám tang cụ Dơ để xem xét, học hỏi kinh nghiệm. Nhận thấy những lợi ích thiết thực từ việc đưa xác người chết vào hòm ngay sau khi chết, nhiều người Mông đã đồng tình với việc tổ chức tang ma theo nếp sống mới.