Ngay sau khi giá xăng được điều chỉnh, người tiêu dùng có vẻ lại chuẩn bị đối phó với một cơn đau đầu mới khi giá lương thực thực phẩm “té nước theo xăng”, và 3 ngày qua, là giá sữa, với “tín hiệu Dutch Lady”.
Bản tin chính thức của TTXVN, bên cạnh các chỉ số giá sữa của Dutch Lady tăng thêm 2-8%, có kèo thêm dự báo “tới đây các hãng sữa khác cũng sẽ tiếp tục tăng giá”. Về số thứ tự, đó sẽ là đợt tăng giá thứ 4 kể từ đầu năm, khi Luật Giá chính thức có hiệu lực.
Vấn đề nghiêm trọng không phải ở con số bao nhiêu %, cũng không phải là đợt tăng giá thứ bao nhiêu, mà ở chỗ, 4 đợt tăng giá đang cho thấy một sự thật hiển nhiên: Kể từ khi có Luật Giá, cơ quan quản lý chưa thể quản lý nổi giá sữa.
Rất đơn giản, theo luật, chỉ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi mới thuộc diện bình ổn, trong khi các hãng sữa “lách” cực khéo bằng cách ghi nhãn sữa bằng một tên gọi mới “sản phẩm dinh dưỡng”. Và vì thế, không phải đăng ký giá. Cú lách mà Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) ông Phạm Hữu Anh có lần thừa nhận là gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý.
Trở lại với nguyên nhân tăng giá sữa. Người tiêu dùng không bao giờ được biết nguyên nhân thực sự của việc tăng giá, bởi khác với giá xăng, giá nguyên liệu chưa bao giờ là một lý do khi mà việc định giá thu mua chưa bao giờ là quyền của người nông dân nuôi bò, chưa bao giờ phản ánh cân đối cung - cầu.
Vậy vì sao giá sữa liên tục được “điều chỉnh”?
Cách đây 2 tháng, con số 2.000USD đã được đưa ra như một mức giá cho sự xuất hiện để nói về DHA, ARA trong sữa của một… giáo sư đầu ngành, trong một mô típ “thầy thuốc khuyên dùng”. Các hãng sữa gọi đó là chi phí quảng cáo- con số hàng năm, ở một vài tên tuổi lớn, lên tới “hàng ngàn tỷ đồng” như xác nhận của một quan chức Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương. Tất nhiên, tất cả những chi phí đó sẽ được bổ vào giá thành sữa.
Tháng 6. 2007, khi đặt ra câu hỏi nguyên nhân trước việc giá sữa tăng lần thứ 3 trong năm, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Giám đốc Nutifood cho biết “Hạn hán xảy ra ở Úc”.
Đã đành Úc là thị trường sữa nguyên liệu lớn nhất thế giới. Đã đành thị trường sữa Việt Nam bị thao túng bởi sữa nhập khẩu. Nhưng kể từ trận “hạn hán” đó, giá sữa ở Việt Nam đã tăng… 30 lần. Trong khi đó, giá sữa bột ở Trung Quốc đang giảm bình quân 12% sau khi Chính phủ quyết tâm điều tra về giá sữa.
Câu hỏi tại sao đối với giá sữa trên thị trường Việt thực ra không quá khó để trả lời, bởi thực tế cho thấy khi “hạn hán ở Úc”, những khoản “lót tay” 2.000USD, những “hàng ngàn tỷ đồng” cho việc quảng cáo, và thậm chí “giá xăng” được dễ dàng chấp nhận như những lý do để tăng giá thì việc giá sữa tăng 4-5 lần mỗi năm, hay tăng 30 lần trong 6 năm thực ra là còn rất đáng để… lạc quan.