Dân Việt

Vỡ đường dây “tín dụng đen” 30 tỷ: Nạn nhân ngậm đắng chờ công lý

Quốc Dinh 20/09/2013 10:08 GMT+7
Đã gần 1 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ vỡ nợ 30 tỷ đồng ở Chư Sê, sự việc vẫn chưa đến hồi kết vì có quá nhiều uẩn khúc, khó hiểu từ các cơ quan chức năng.
Trong khi đó, vợ chồng Nguyễn Phi Hùng – Nguyễn Thị Thanh Nga (trú tại 837 Hùng Vương, thị trấn Chư Sê ) vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

“Bẫy” lừa

Bằng cái vỏ bọc của một tỷ phú trẻ có trong tay nhiều bất động sản ở thị trấn Chư Sê, có 3 tiệm thuốc Tây cỡ lớn nên việc vay mượn tiền của vợ chồng Nga – Hùng quá dễ dàng. Chỉ với 10 người có đơn tố cáo gửi Công an huyện Chư Sê và 4 người đâm đơn kiện ra tòa, tổng số tiền mà Nga - Hùng vay nợ đã hơn 30 tỷ đồng. Không chỉ đi vay, Nga-Hùng còn cho người khác vay lại với lãi suất “khủng”. Theo những tài liệu chúng tôi có được, chỉ từ tháng 10.2011 đến 13.7.2012 (tức là 9 tháng 17 ngày) với 600 triệu đồng cho vay, Nga –Hùng đã thu về cả vốn lẫn lãi hơn 1,33 tỷ đồng (hơn gấp đôi so với tiền gốc). Chính vì tin nhau nên các đối tượng này thường chỉ viết cho nhau biên nhận có lấy tiền… Cay đắng nhất là trường hợp bà Nguyễn Thị Tám (cô ruột Hùng) đã cho vợ chồng hắn vay tới 11,4 tỷ đồng, hay chị Nguyễn Thị Tuyết ở thị trấn Chư Sê bị Nga- Hùng “vay” để đáo hạn ngân hàng cho một doanh nghiệp với số tiền 2,5 tỷ đồng, hẹn 15 ngày trả. Tuy nhiên chỉ sau 5 ngày, Nga- Hùng tuyên bố vỡ nợ…

Nhiều chủ nợ không đồng tình với cách xử lý của cơ quan chức năng.
Nhiều chủ nợ không đồng tình với cách xử lý của cơ quan chức năng.

Như để chuẩn bị trước cho cú lừa vỡ nợ ngoạn mục của mình, Nga-Hùng đã ngầm tiến hành tẩu tán tài sản bằng cách chuyển nhượng cho người thân. Cụ thể, Nga-Hùng đã chuyển nhượng căn nhà cấp 4 ở tổ dân phố 2, thị trấn Chư Sê cho ông Nguyễn Bá Thuật - bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (chị ruột của Nga) vào tháng 4.2012; đồng thời chuyển nhượng căn nhà 837 Hùng Vương, thị trấn Chư Sê cho một người thân khác. Sau khi chuẩn bị sẵn sàng, Nga-Hùng tiếp tục cầm hồ sơ “đáo hạn ngân hàng” đi lừa đảo lấy tiền rồi tuyên bố không còn khả năng chi trả do kinh doanh thất bại, bị lừa tiền… khiến các chủ nợ bàng hoàng.

Sau khi vụ vỡ nợ xảy ra, cả 3 cơ quan TAND huyện Chư Sê, Viện KSND Chư Sê và cơ quan điều tra Công an huyện Chư Sê đều thống nhất: Nga – Hùng có hành vi lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Do số tiền vượt quá thẩm quyền xử lý, ngày 4.1.2013, Công an huyện Chư Sê đã gửi Báo cáo số 32/BC xin ý kiến cấp trên. Dù vậy, trong công văn trao đổi với Công an tỉnh Gia Lai số 246 ngày 20.3.2013, Viện KSND tỉnh Gia Lai lại khẳng định đây là quan hệ vay mượn dân sự…

“Hình sự” hay “dân sự” ?

Tuy nhiên, riêng trường hợp của chị Nguyễn Thị Tuyết, ngày 27.3.2013, cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 224 trả lời và chỉ đạo Công an huyện Chư Sê: Hành vi của Nga -Hùng là có dấu hiệu hình sự, có hành vi lừa đảo và cần thu thập thêm chứng cứ. Chính Đội trưởng Đội điều tra Công an huyện Chư Sê, đại úy Nguyễn Giang Nam gọi chị lên và đọc cho chị nghe công văn trả lời của Công an tỉnh Gia Lai… Và sau đó, đường đi của số tiền mà Nga –Hùng vay của chị Tuyết cũng được Công an huyện Chư Sê điều tra làm rõ… Qua quá trình đối chất, Nga-Hùng không thể chứng minh được số tiền vay của chị Tuyết sử dụng hết vào việc gì. Nga khai đã trả nợ cho một người, nhưng khi đối chất thì người này chỉ công nhận Nga có trả 400 triệu đồng. Đồng thời, số sơri tiền lại không khớp với số sơri số tiền mà ngân hàng cung cấp… Theo chị Tuyết thì đại úy Nam yêu cầu chị cung cấp chứng nhận thư rút tiền từ ngân hàng và cho biết như thế là làm rõ được hành vi lừa đảo và có thể bắt được Nga –Hùng… Thế nhưng điều không thể ngờ là bỗng nhiên chị Tuyết biết được tin vụ việc của mình cũng được bàn giao qua dân sự. Bức xúc với ý kiến của cơ quan điều tra huyện Chư Sê, chị Tuyết nhiều lần liên lạc và xin gặp trực tiếp đại úy Nguyễn Giang Nam làm việc nhưng chỉ một, hai lần được gặp. Hơn thế, chị Tuyết còn cho biết chưa hề nhận được một văn bản thông báo nào của cơ quan điều tra huyện Chư Sê về vụ việc của mình.

Trong buổi làm việc với phóng viên, đại úy Nguyễn Giang Nam- Đội trưởng Đội điều tra Công an huyện Chư Sê cho biết: Lý do chuyển vụ việc của chị Tuyết sang dân sự là ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai (PC44)… Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu được xem các văn bản thì đại úy Nam từ chối với lý do “tài liệu mật” và chỉ cung cấp số công văn. Về trường hợp của chị Tuyết, đại úy Nam cũng trả lời: “Mọi trường hợp đều như nhau, đây là ý kiến chỉ đạo chung cho tất cả các trường hợp và chúng tôi đã bàn giao sang cho bên hành chính, nếu người dân cần thì có thể kiện ra tòa án”.

Nếu như những gì chị Tuyết phản ánh là đúng sự thật thì việc đưa trường hợp này từ hình sự sang dân sự là điều khó hiểu. Theo những người bị hại, thì không ít lần Nga – Hùng có những tuyên bố gây sốc. Dù không bỏ trốn khỏi địa phương nhưng việc dùng thủ đoạn gian dối để lừa lấy tiền người khác mà không trả lại chẳng phải là lừa đảo?

Dư luận đang chờ câu trả lời từ cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai. Tại sao cùng một hành vi, bà Trương Thị Hải Yến -Chủ tịch HĐQT, Hiệu phó Trường THPT dân lập Phương Nam (Hà Nội) lừa lấy tiền người khác bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, còn Nga - Hùng thì chỉ là “vay mượn dân sự”?

Thạc sĩ luật Nguyễn Đức Hùng - Trưởng phòng Hình sự, Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự cho rằng: Việc vay và cho vay tiền giữa các cá nhân là quan hệ dân sự, được pháp luật cho phép. Quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ được xác lập trên cơ sở nội dung thỏa thuận giữa các bên, cũng như quy định của Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp mà các bên không thể tự thương lượng và giải quyết được thì có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, nếu một người có các hành vi gian dối (như đưa ra các thông tin không đúng sự thật, giấy tờ giả mạo) khiến người khác tin tưởng đó là sự thật để cho người này vay tiền, nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền vay (có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên), thì hành vi đó sẽ cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 139 Bộ luật Hình sự).
Nếu việc xác lập quan hệ vay nợ là ngay thẳng, bên vay không có thủ đoạn gian dối và không có ý thức chiếm đoạt tiền vay nhưng sau khi nhận được tiền vay, bên vay đã sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tiền vay; hoặc đã sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản, thì hành vi của bên vay sẽ cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 140 Bộ luật Hình sự).