Chàng trai nói đến là Aurelien Hayman (20 tuổi) đến từ thành phố Cardiff, miền Đông Nam xứ Wales, nước Anh. Aurelien Hayman chỉ là một trong số rất ít người trên thế giới có trí nhớ siêu việt như vậy, trường hợp này có tên khoa học là Hyperthymesia (là khả năng nhớ và kể lại như in những gì đã xảy ra trong quá khứ).
Aurelien Hayman |
Aurelien Hayman cho biết: “Tôi nhận ra điều này không phải chỉ sau một đêm, lúc tôi 14 tuổi, tôi đã phát hiện ra mình có trí nhớ khá tốt, và tôi có thể nhớ ra được nhiều sự kiện đã xảy nhiều năm trước đó”.
Khi được hỏi một cách ngẫu nhiên về ngày 1.10.2006, Aurelien Hayman nhớ lại rành mạch; đó là một ngày Chủ nhật mây mù và u ám, hôm đó Hayman đã nghe bài hát “When You Were Young” của The Killers, cậu còn mời bạn gái đi chơi nhưng bị từ chối.
Không những thế Hayman còn kể thêm một số chi tiết; ngày chủ nhật hôm đó cậu đã mặc chiếc áo sơ mi màu xanh da trời và đi gặp bạn gái. Đến ngày thứ 5 trong tuần, đã có sự cố mất điện xảy ra tại gia đình nhà Hayman.
Theo các chuyên gia phân tích, một người bình thường có thể nhớ được những thông tin đã xảy ra rất lâu trong quá khứ thông qua thùy trán bên phải của bộ não. Đối với Hayman cũng vậy, tuy nhiên khả năng nhớ lại một cách cụ thể những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ thì khác hẳn với những người bình thường.
Ngoài khả năng hoạt động của thùy trán bên phải, Hayman còn có thể phát huy được cả thùy trán bên trái và khu vực chẩm phía sau bộ não, đó chính là lý do khiến cho Hayman có một khả năng nhớ siêu việt như vậy.
Hayman tâm sự: “Chẳng có phương pháp hay chiến thuật gì để có thể làm được điều này. Bản thân tôi cũng không biết rằng những kỷ niệm trong quá khứ đã được mã hóa. Điều này giúp tôi có thể tiếp cận những gì tôi muốn một cách nhanh chóng giống như tìm trong ngăn kéo đựng tài liệu vậy”.
Tuy nhiên, bản thân chàng sinh viên chuyên ngành “Văn học Anh” của trường Đại học Durham cũng khẳng định, những ký ức đáng chú ý không mang lại nhiều ưu ái cho cậu nhất là khi làm bài thi hoặc bài luận.
“Nói chung tôi có trí nhớ khá tốt nhưng những gì tôi nhớ chỉ là ký ức mang tính chất tự truyện (autobiographical memory), tôi không nghĩ điều đó có thể giúp tôi trong công việc học tập ở trường”, Hayman nói thêm.