LTS: Trong nghiên cứu mang tên “Nâng cao năng lực cạnh tranh của người chăn nuôi lợn quy mô nhỏ trong nền kinh tế chuyển đổi tại Việt Nam” do tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) công bố gần đây, có nhiều nội dung và khuyến nghị chính sách rất đáng chú ý. Đây là tài liệu hữu ích đối với nhà quản lý ngành nông nghiệp cũng như người chăn nuôi nói chung.Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn.
CungNgành chăn nuôi lợn ở Việt Nam chủ yếu dựa trên chăn nuôi quy mô hộ gia đình với khoảng 7 triệu hộ có quy mô bình quân từ 1-10 con/hộ. Đây cũng là ngành đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thu nhập cho khu vực nông thôn. Các hộ chăn nuôi nhỏ là nguồn cung chủ đạo, cung cấp tới 90% lượng thịt lợn bán trên thị trường (Tisdell, 2009). Vì vậy, nhu cầu về thịt lợn ngày một tăng cao đang tạo ra cơ hội cải thiện sinh kế cho những người có thu nhập thấp thông qua chăn nuôi, chế biến, thương mại các sản phẩm từ chăn nuôi.
Ngành chăn nuôi hiện chiếm 27%, trong đóng góp của ngành nông nghiệp vào tổng thu nhập quốc nội. Đây cũng là ngành giữ vai trò then chốt trong cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời là nguồn sinh kế chủ yếu của đa số các hộ gia đình nông thôn. Trong số các hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi lợn là hoạt động chủ đạo, đóng góp 71% tổng sản lượng chăn nuôi.
Ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam đã tăng trưởng gấp đôi sau một thập kỷ kể từ năm 1996. Trong giai đoạn 2001-2006, số lượng lợn thịt và lợn nái tăng lên một cách mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 5,9% và 7,7%, dẫn tới sự gia tăng sản lượng thịt với tốc độ 10.9%/năm. Điều này cũng cho thấy năng suất ngành chăn nuôi đã được cải thiện đáng kể trong giai đoạn này. Từ sau năm 2006, ngành chăn nuôi lợn tăng trưởng với tỷ lệ thấp hơn do phải đối mặt với những đợt dịch bệnh liên tiếp.
Giống lợn được sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay là giống lai giữa lợn Móng Cái bản địa với lợn giống ngoại nhập. Về quy mô chăn nuôi lợn, có sự khác biệt giữa các vùng, mặc dù đây là hoạt động chăn nuôi phổ biến ở hầu khắp các vùng trên cả nước. Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là nơi tập trung chủ yếu các trang trại chăn nuôi quy mô lớn và được coi là nguồn cung cấp chính các sản phẩm thịt lợn.
CầuThịt lợn là nguồn thức ăn hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam trong số các sản phẩm thịt. Năm 2009, mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người của Việt Nam đạt 27kg/năm, tương đương với mức tăng trưởng trung bình 6,3%/năm trong vòng 10 năm. Sự gia tăng nhu cầu thịt lợn bắt nguồn từ việc thu nhập của người dân ngày một tăng cao và do sự thay đổi chế độ dinh dưỡng theo hướng tiêu dùng nhiều hơn các sản phẩm giàu protein.
Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cũng được ghi nhận như là nguyên nhân khác dẫn tới sự gia tăng mức tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc động vật. Mặc dù chỉ chiếm 25% tổng dân số, song người tiêu dùng tại khu vực thành thị tiêu thụ tới 50% tổng sản lượng thịt lợn sản xuất ra trên cả nước.
Theo kết quả điều tra, người tiêu dùng ở khu vực thành thị (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) và một số hộ tiêu dùng khu vực nông thôn (do CAP-ILRI tiến hành năm 2007), thịt lợn chiếm tỷ lệ lớn nhất (40%) trong tổng chi tiêu của hộ cho các sản phẩm thịt, tiếp sau đó là cá, thịt gia cầm và thịt bò. Tại khu vực thành thị, mức chi tiêu cho thịt lợn khá tương đồng giữa các nhóm thu nhập khác nhau. Tại khu vực nông thôn, mức chi tiêu cho thịt lợn trong tổng chi tiêu của hộ có phần cao hơn đối với các hộ tiêu dùng có thu nhập cao.
Mặc dù nguồn cung thịt lợn đã tăng gấp đôi kể từ sau thời kỳ mở cửa thị trường, song không thể đáp ứng kịp sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu thịt lợn ở Việt Nam, dẫn tới sự leo thang giá cả trong những năm gần đây.
Thị hiếu người tiêu dùngNgười tiêu dùng Việt Nam đánh giá chất lượng thịt lợn thông qua một số tiêu chí như: Tỷ lệ nạc, màu sắc thịt, mùi vị, độ dẻo và tươi. Họ đặc biệt ưa thích thịt lợn có tỷ lệ nạc cao (75% số người tiêu dùng ưa chuộng thịt nạc) và đánh giá thịt lợn đặc sản (lợn bản, lợn nít, lợn cỏ) có vị và chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, bằng mắt thường, người tiêu dùng khó có thể nhận ra sự khác biệt giữa thịt lợn của các giống khác nhau.
Người tiêu dùng Việt Nam thường mua thịt lợn tươi sống với lượng đủ dùng trong ngày và rất ít khi lưu trữ trong thời gian dài.
Do đó, các điểm bán hàng truyền thống như chợ cố định hay chợ tạm vẫn là kênh phân phối thịt lợn được ưa thích nhất ngay cả khi các hình thức phân phối hiện đại đang dần phát triển trong thời gian gần đây. Xu hướng mua thịt lợn tại các siêu thị hay các cửa hàng có thương hiệu đang dần hình thành đối với lớp người tiêu dùng trẻ sống tại các thành phố lớn và không có thời gian để đi chợ mỗi ngày.
Gần đây, trước tình hình bùng nổ các trường hợp nhiễm độc thực phẩm do nhiều nguyên nhân như tồn dư hóa chất, dư lượng kháng sinh trong các sản phẩm thịt và hải sản, sử dụng các chất phụ gia không hợp pháp, sự ô nhiễm và kém vệ sinh tại các điểm bán hàng… đã làm gia tăng mối lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng cũng như các cơ quan quản lý.
Trong thời gian xảy ra bệnh dịch, người tiêu dùng tỏ ra ngần ngại hơn khi tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, trong đó hơn 50% số người tiêu dùng dừng mua thịt lợn hoặc mua với số lượng ít hơn và khoảng 30% người tiêu dùng chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế khác. Ngoài ra có một bộ phận nhỏ (15% số người tiêu dùng ở TP. Hồ Chí Minh và 6% số người tiêu dùng ở Hà Nội) chuyển sang mua hàng tại các điểm bán hàng hiện đại thay vì mua tại các chợ truyền thống như trước đây.
Thương mạiTrong giai đoạn 1996-2006, Việt Nam gần như không nhập khẩu thịt lợn. Trong thời kỳ này, cán cân thương mại đối với sản phẩm thịt lợn luôn dương do tác động của chính sách khuyến khích xuất khẩu.
Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, thói quen tiêu dùng thịt còn ấm nóng (thịt mới được giết mổ) của người Việt Nam được coi là rào cản tự nhiên hạn chế sự xâm nhập của các sản phẩm thịt nhập khẩu.
Tuy nhiên từ năm 2006, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu thịt ướp lạnh và thịt đông lạnh từ Canada và Mỹ. Việt Nam được dự báo sẽ trở thành nước nhập khẩu ròng thịt lợn trong những năm tới, do nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng cao và do các sản phẩm nhập khẩu thích hợp với nhiều hình thức chế biến và cũng phù hợp với hình thức phân phối của các siêu thị.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực và nông nghiệp (FAPRI), Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 231.000 tấn thịt lợn vào năm 2019...