Đó là nhận xét tại Hội thảo Tổng kết “Dự án sau thu hoạch lúa gạo ADB-IRRI-Việt Nam” vừa diễn ra tại An Giang ngày 15.11, do Cục Trồng trọt và Trường Đại học Nông lâm TP.HCM phối hợp Sở NNPTNT An Giang tổ chức.
Chạy thử máy cuốn rơm tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, An Giang.
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), dự án sau thu hoạch lúa gạo được thực hiện từ năm 2009 tại 5 vùng tiêu biểu trên cả nước. Những hoạt động chính của dự án bao gồm: Tập huấn, trình diễn, nghiên cứu ứng dụng, xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh, thu hoạch, sấy, bảo quản, xay xát và san phẳng mặt ruộng bằng tia laser... Dự án đã tác động đến ý thức bà con nông dân về ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, từ đó giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng lợi nhuận cho người trồng lúa.
Sau 4 năm thực hiện, dự án không chỉ tác động đến chính sách khuyến nông hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp mà còn nhân rộng các mô hình về công nghệ và thiết bị sau thu hoạch. Những kết quả của dự án mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân và các cơ quan liên quan trong chuỗi sản xuất lúa gạo ở Việt Nam.
Ông Đoàn Ngọc Phả- Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang cho biết, sau Hội thảo, sở sẽ tiến hành các biện pháp hỗ trợ nông dân đầu tư mua một số thiết bị công nghệ cao trong sản xuất và thu hoạch lúa; trước mắt sẽ hỗ trợ khoảng 30% kinh phí cho nông dân nào đầu tư mua máy cuốn rơm (một thiết bị công nghệ mới sau thu hoạch lúa).