Dân Việt

Kho vàng bí ẩn của Đức Quốc xã được “mở khóa” bằng… âm nhạc?

Mai Thủy (theo Theguardian) 28/09/2013 14:24 GMT+7
Leon Giesen, nhà làm phim 51 tuổi, người Hà Lan đã bắt đầu các cuộc khai quật ở thị trấn Mittenwald, bang Bavarian với niềm tin rằng ông đang có trong tay chìa khóa kho báu của trùm phát xít Adolf Hitler.

Đáng nói hơn, "chìa khóa" kho báu mà Leon Giesen kỳ vọng là những lời chỉ dẫn thông qua… âm nhạc của Martin Bormann-sĩ quan phụ tá của Adolf Hitler.

Giả thuyết “Một số nốt nhạc nắm giữ nơi chứa vàng của Đức Quốc xã” lần đầu tiên được đề xuất bởi nhà văn Hà Lan - Karl Hammer Kaatee vào năm ngoái khi ông công bố bản nhạc được cho là ẩn chứa những mật mã của Bormann về kho báu.

img
Những ký âm được cho là chứa mật mã ám chỉ vị trí kho báu của Đức Quốc xã ở Mittenwald, Đức . Ảnh : Karl Hammer Kaatee

Về mặt âm nhạc, bản Ngẫu hứng tháng Ba của Gottfried Federlein không có gì đặc biệt nhưng Kaatee đã bị thu hút bởi những lời chú giải bí ẩn. Ông lập luận rằng, trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, Bormann đã bí mật mã hóa vị trí của kho báu. Một kho báu cực kỳ giá trị với ít nhất 100 thỏi vàng và bộ sưu tập kim cương cá nhân của Hitler có tên là "Nước mắt chó sói".

Leon Giesen tin rằng ông đã giải mã được và tiến hành ba cuộc khai quật ở thị trấn Mittenwald, bang Bavaria, Đức.

Theo tờ Spiegel Online, giả thuyết của ông Giesen chú trọng vào các cụm từ viết tay tạm dịch là "Nơi Matthew kéo dây đàn" trên bản nhạc. Ông tuyên bố, điều này ám chỉ Matthias Klotz, thợ làm đàn ở Mittenwald, một trong những cư dân nổi tiếng nhất của thành phố.

Cụm từ "Enden der Tanz" (kết thúc điệu nhảy) nói đến một trong những điểm dừng của đường sắt địa phương. Bản nhạc thậm chí có thể chứa một sơ đồ đường ray xe lửa của thành phố.

Ông Giesen đang sử dụng hình thức tài trợ đám đông (crowdfunding) để trang trải chi phí cho các cuộc khai quật ở Mittenwald. Ông này cho biết những cuộc khai quật ban đầu cho kết quả khá tốt: những người đào bới đã tìm thấy nhiều “mảnh kim loại bất thường". Jurgen Proske, nhà sử học địa phương và là nhà khảo cổ nghiệp dư cho biết: “Đó có thể là hòm đựng kho báu nhưng cũng có thể chỉ là một… cái nắp cống."