Động thái của ông Berlusconi diễn ra vài tuần sau khi mối quan hệ giữa đảng của ông và đảng trung-tả của Thủ tướng Enrico Letta ngày một xấu đi. Ông Berlusconi trước đó đã dọa rút toàn bộ bộ trưởng của mình nếu ông bị buộc phải rời khỏi Thượng viện vì bị buộc tội gian lận thuế.
Cuộc khủng hoảng có thể sẽ khiến Ý phải tiến hành bầu cử sớm, giữa bối cảnh kinh tế nước này vẫn còn bộn bề khó khăn.
Hôm thứ sáu vừa qua, ông Letta đã bay từ New York trở về nước, nhằm cố gắng ngăn chặn chính phủ sụp đổ. Cuối ngày thứ sáu, Thủ tướng Letta cho biết ông sẽ ra đi nếu chính phủ của ông không giành được lá phiếu tín nhiệm vào tuần tới tại quốc hội.
Tuy nhiên điều này đã bị ông Berlusconi tuyên bố là “không thể chấp nhận được”.
Đảng Nhân dân Tự do (PDL) trung-hữu của ông Berlusconi phản đối kế hoạch tăng thuế bán hàng, một phần trong chính sách của chính phủ nhằm đưa Ý thoát khỏi nợ nần.
“Tôi đã mời phái đoàn PDL trong chính phủ đánh giá liệu đây có phải là thời gian thích hợp để họ từ chức”, ông Berlusconi cho hay.
Trong khi đó Bộ trưởng Nội vụ đồng thời là Thư ký PDL Angelino Alfano cáo buộc Thủ tướng Letta “vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận thành lập chính phủ của ông”.
Tuy nhiên, Thủ tướng đã phản ứng giận dữ trước việc từ chức, cáo buộc lãnh đạo PDL đã nói dốivới người Italia, sử dụng chính sách thuế bán hàng như là cái cớ cho những vấn đề cá nhân.
Chính phủ liên minh Ý được thành lập sau cuộc bầu cử không ngã ngũ vào tháng 2 đầu năm. Người ta lo ngại cuộc khủng hoảng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới những nỗ lực áp dụng cải cách cần thiết để đối phó với những vấn đề kinh tế của Ý, trong đó có nợ công, suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp cao ở người trẻ. Quỹ tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo căng thẳng liên minh gây nguy hiểm cho nền kinh tế Ý.