Dân Việt

Mô hình “mẹ ăn thịt con”

01/10/2012 06:55 GMT+7
(Dân Việt) - Sau khi đăng bài “Lình sình sau sáp nhập ở Tổng Công ty Xây dựng đường thủy”, Báo NTNN tiếp tục nhận được tố cáo của công nhân Công ty Nạo vét đường biển I thuộc Tổng Công ty Xây dựng đường thủy về việc họ bị Tổng Công ty bóc lột từ 10% đến 25% tổng giá trị các công trình.

Ngồi mát ăn bát vàng

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, hàng loạt công trình mà Công ty Nạo vét biển I phải nhận khoán thi công từ Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (sau đây gọi là Tổng Công ty) với giá thấp chỉ còn 90%, thậm chí 75-80% giá trị so với giá trúng thầu mà Tổng Công ty đã ký kết hợp đồng với các chủ đầu tư. Điển hình nhất phải kể đến là công trình thi công nạo vét luồng cảng Cái Lân.

img
Tàu HP-01 đang thi công tại công trường.

Tổng Công ty ký kết hợp đồng với chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án Hàng hải II với đơn giá 89.617 đồng/m3, nhưng khi giao lại cho Công ty Nạo vét biển I, Tổng Công ty đã “cắt” lại 25%, chỉ thanh toán hợp đồng cho đơn vị này với giá 67.212 đồng/m3.

Với khối lượng thi công giao cho Chi nhánh là 950.000m3, Tổng Công ty đã thu về số tiền chênh lệch hơn 21 tỷ đồng. Theo đơn giá bỏ thầu lợi nhuận 5%, thì Tổng Công ty đã đẩy 20% lỗ (hơn 17 tỷ đồng) xuống cho Công ty Nạo vét biển I- đơn vị trực tiếp bỏ sức người, sức của ra để thi công phải chịu.

Tệ hại hơn, công trình nạo vét luồng cảng Hải Phòng (đoạn trong kênh Hà Nam từ km 19+400 đến km 22+600), Tổng Công ty ký hợp đồng với chủ đầu tư (Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Phía Bắc) với đơn giá 156,221 đồng/m3, nhưng khi giao lại cho Công ty Nạo vét biển I, Tổng Công ty đã cắt lại 10%, chỉ còn 140,602 đồng/m3.

Người lao động bức xúc

Ông Nguyễn Công Nam- cán bộ phụ trách Phòng Tổ chức- Hành chính Công ty Nạo vét biển I, ngậm ngùi chia sẻ: Năm 2007, khi về để thuyết phục công ty sáp nhập vào Tổng công ty, ông Lưu Đình Tiến hứa trước hội nghị công nhân viên chức của công ty là việc sáp nhập để phát triển, sẽ tạo nhiều việc làm hơn, đời sống người lao động sẽ được nâng cao.

“Chúng tôi mất hết lòng tin vào ban lãnh đạo của Tổng Công ty. Chúng tôi muốn được tách ra, muốn được trở lại là Công ty Nạo vét biển I như ngày xưa, rồi Nhà nước cổ phần hóa thì cổ phần. Chứ cứ để thế này thì tan nát hết”.

Thế nhưng từ đó đến nay, kết quả diễn ra ngược lại, việc làm ít đi, Công ty thua lỗ triền miên, lương của cán bộ công nhân viên hiện đã giảm còn một nửa so với trước, trong khi tính chất công việc phức tạp, khó khăn vất vả, đòi hỏi người lao động phải có tay nghề cao, có năng lực và kinh nghiệm thi công. Vì thế, rất nhiều thủy thủ, người lao động đã phải từ bỏ công ty để tìm việc nơi khác.

Ông Hoàng Hoa Hoàng - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Nạo vét biển I, bức xúc: “Khi đi đấu thầu, tất cả hồ sơ, tài liệu, phương tiện thi công, con người, thậm chí cả thương hiệu cũng là của Công ty Nạo vét biển I. Thế nhưng, sau khi trúng thầu thì Tổng Công ty chỉ giao cho chúng tôi thi công những phần việc khó sau khi đã cắt lại tỷ lệ phần trăm, không biết là tiền gì, trung bình là 10%, có công trình lên tới 25%, thậm chí còn nhiều hơn”.