Theo đó, mức tăng trưởng dự báo sẽ đạt 5,2% năm 2013 và tăng lên 5,6% năm 2014.
Theo ADB, nhu cầu tiếp tục ở mức thấp tại các nền kinh tế công nghiệp lớn cùng với tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đang tiếp tục tạo sức ép lên triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế Châu Á đang phát triển.
Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2013 của 45 thành viên đang phát triển của ADB xuống còn 6,3% và cắt giảm mức dự báo năm 2014 xuống còn 6,4%. Tháng Tư vừa qua, ADB đã dự báo khu vực sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay và 6,7% trong năm tới.
Ông Changyong Rhee, Trưởng Ban Kinh tế của ADB, phát biểu: “Trao đổi thương mại giảm và đầu tư thu hẹp là một phần của xu hướng tăng trưởng một cách cân bằng hơn của Trung Quốc và tác động lan tỏa của nhịp độ chậm lại này chắc chắn là một mối quan ngại trong khu vực. Nhưng chúng ta cũng đang chứng kiến những biểu hiện suy giảm khác ở nhiều nền kinh tế Châu Á đang phát triển”.
Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất trong số các nước Châu Á đang phát triển – nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng 7,7% trong năm nay và 7,5% trong năm 2014 sau khi đã đạt mức tăng trưởng 7,8% vào năm 2012.
Báo cáo ghi nhận rằng tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu đã chậm lại trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài đang yếu, tuy nhiên niềm tin của người tiêu dùng vẫn tiếp tục vững mạnh. Tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đã làm giảm triển vọng của cả khu vực Đông Á cũng như ở một mức độ ít hơn là triển vọng của khu vực Đông Nam Á, nơi mà Philippines và các nền kinh tế lớn trong ASEAN khác vẫn đang có được sự tăng trưởng vững chắc.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, những tiến bộ chậm chạp trong việc thúc đẩy những cải cách cần thiết để xóa bỏ những rào cản kinh doanh khiến tốc độ tăng trưởng nhiều khả năng sẽ ở mức 5,8% trong năm nay, thấp hơn mức dự đoán trước đó là 6,0%. ADB tiếp tục duy trì mức dự báo tăng trưởng của Ấn Độ trong năm 2014 là 6,5%. Tại các nơi khác ở Nam Á, SriLanka tiếp tục tăng trưởng mạnh trong khi các nền kinh tế khác sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn dự báo trước đây.
Báo cáo cũng hạ mức dự báo đối với khu vực Trung Á, điều này phản ánh những kết quả kinh tế chậm chạp ở Kazakhstan và Grudia, và đối với khu vực Thái Bình Dương, nơi chi tiêu chính phủ của Đông Ti-mo đang hạ xuống.
Đồng thời, áp lực lạm phát đang giảm bớt do giá năng lượng và giá lương thực đang hạ vì nhu cầu thế giới đối với nhiên liệu tăng chậm hơn và vụ mùa bội thu ở nhiều nơi.