Dòng chữ trên trang quảng cáo do China Daily mua với giá 250.000 USD có đoạn: "Quần đảo Điếu Ngư là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc từ ngàn xưa và Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo này". Trang quảng cáo còn nhấn mạnh lập trường của Bắc Kinh là Nhật Bản "đã cướp" quần đảo này và các đảo trên là tài sản hợp pháp của Trung Quốc.
Bài quảng cáo đảo tranh chấp do China mua tờ New York Times với giá 250.000 USD. |
Ngoài ra, tờ Washington Post số ra cùng ngày cũng đăng tải một trang quảng cáo khổ lớn có tiêu đề "Trung Quốc phản đối các thỏa thuận bí mật với Mỹ về quần đảo này".
Nhật Bản đã bày tỏ sự phản đối việc hai tờ báo Mỹ đăng quảng cáo về hòn đảo tranh chấp Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Ichiro Fujisaki tuyên bố, quảng cáo như vậy chỉ mang tính một chiều. Hiện quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang trong tình trạng căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ xung quanh chủ quyền đối với các đảo ở biển Hoa Đông. Cả hai bên đều giữ lập trường cứng rắn về nguyên tắc và không có ý định nhượng bộ nhau.
Ngày 29.9, lẽ ra phải là một ngày trọng đại trong lịch sử quan hệ Trung-Nhật. Vào năm 1972, đúng 4 thập kỷ trước, hai con rồng lớn của châu Á đã ký hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Thông thường, hàng năm hoạt động chào mừng được tổ chức rộng rãi, nhưng năm nay điều này đã không diễn ra. Thay vì khánh tiết, giữa Tokyo và Bắc Kinh lơ lửng bầu không khí quyết đấu căng thẳng xung quanh các hòn đảo ở biển Hoa Đông.
Tokyo khẳng định chủ quyền với các đảo kể từ năm 1895, là thời điểm nếu tính trở về trước Senkaku còn vô chủ. Nhưng Trung Quốc nhấn mạnh rằng, tất cả các đảo thuộc về họ đã 600 năm qua. Theo các chuyên gia nhận định, không nên vì những căng thẳng hiện nay mà vội vã đưa ra những dự đoán thảm hại. Ông Valery Kistanov - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Viễn Đông tin chắc rằng, tình hình sẽ không leo thang thành cuộc chiến kinh tế. Nhật Bản và Trung Quốc trên thực tế là hai nửa của một khối liên kết kinh tế khổng lồ.
Trong khi đó, Mỹ cũng tuyên bố không tham gia hòa giải tranh chấp Trung- Nhật. Mỹ hối thúc Trung Quốc và Nhật Bản tạo những nỗ lực ngoại giao nghiêm túc để xử lý hòa bình tranh chấp của hai nước láng giềng. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ Kurt Campbell tuyên bố Mỹ sẽ không đóng vai trò trung gian hòa giải trong vụ tranh chấp này. Theo ông Campbell, hai bên đều nhận thức tầm quan trọng trong mối quan hệ của họ và Mỹ tin rằng đối thoại sẽ đem lại những kết quả tích cực. Ông Campbell cho rằng sẽ là khôn ngoan khi gác tranh chấp lãnh thổ sang một bên khi "vấn đề này quá khó để giải quyết".
Quang Minh (tổng hợp)