"Việc này sẽ đảm bảo hình thành và duy trì được thị trường viễn thông có 3 - 4 mạng tầm cỡ quốc gia, phát triển lành mạnh", Bộ trưởng nói.Hiện tại, Việt Nam có 3 thương hiệu viễn thông quốc gia là Vinaphone, Mobifone và Viettel. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết tái cơ cấu VNPT sẽ góp phần giữ vững thương hiệu, vai trò của doanh nghiệp viễn thông Việt Nam. Theo ông, hiện chưa có nước nào trên thế giới làm được điều tương tự như Việt Nam, khi Nhà nước làm chủ mạng viễn thông và doanh nghiệp trong ngành có thể thắng trên sân nhà.
Dự kiến thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về tổ chức bộ máy của VNPT. Việc tái cơ cấu được thực hiện ra sao sẽ phải chờ VNPT và Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ phê duyệt. Nhiều chuyên gia dự đoán bộ phận tách ra khỏi tập đoàn nhiều khả năng là nhà mạng Mobifone vì doanh nghiệp này đang là một trong những thương hiệu lớn nhất Việt Nam.
Trong thời gian dài, Mobifone thường xuyên có báo cáo doanh thu và lãi lớn, đạt mức tăng trưởng tốt. Mặt khác, đơn vị này đã duy trì mô hình kinh doanh độc lập tương đối hơn so với các doanh nghiệp khác của tập đoàn. Báo cáo tài chính năm 2012 của VNPT cho thấy, trong 8.500 tỷ đồng lợi nhuận toàn tập đoàn thì Mobifone đóng góp khoảng 77,6% (tương đương 6.600 tỷ đồng), còn doanh thu chiếm 31,2% (trong số 130.500 tỷ đồng).
Việc VNPT thay lãnh đạo hồi đầu tháng 8 trong bối cảnh hoạt động gặp
nhiều khó khăn được xem là bước đệm cần thiết cho việc tái cấu trúc tập
đoàn. Ông Trần Mạnh Hùng giữ chức CEO thay ông Vũ Tuấn Hùng nhận được
nhiều đánh giá tích cực từ phía các chuyên gia cũng như người trong
ngành với tin tưởng sẽ có sự thay đổi lớn trong doanh nghiệp.