Sách chép rằng: "Sông Tô ở phía đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo
phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đông Xuân, huyện Thọ Xương chuyển sang phía
Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì,
quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ".
Sông Tô Lịch năm 1885 (Nguồn Nguoiduatin)
Sông Nhị tức là sông Hồng. Sông Tô Lịch bắt nguồn từ sông Hồng và phân lưu nước về sông Nhuệ. Ngày
nay, sông Tô Lịch không còn thông với sông Hồng nữa bởi đoạn sông từ phố Cầu Gỗ - cống chéo Hàng
Lược - chảy men theo đường Phan Đình Phùng - đổ ra đoạn sông dọc theo phố Thụy Khuê và Phan Đình
Phùng ra Bưởi đã bị lấp, nó không còn được nối vào đoạn sông Tô Lịch hiện nay nữa. Có tài liệu nói:
Cửa sông Tô Lịch ngày xưa là ở phố Cầu Gỗ, có tài liệu lại bảo nó lấy nước sông Hồng ở chỗ phố Chợ
Gạo bây giờ?
Sông Tô Lịch là con sông cổ có số phận ở đất Thăng Long quả thật không sai. Sông Tô Lịch oằn mình
chia lũ với sông Hồng, chở biết bao nhiêu phù sa màu mỡ góp cùng sông Nhuệ, sông Đáy tưới mát và
bồi đắp cho một vùng châu thổ Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình.
Người già sinh ra ở khoảng nửa đầu thế kỷ 20 còn nhớ mặt nước sông Tô Lịch trong vắt có thể gội đầu
tóc, rửa chân gót son bắp tròn, da trắng hồng của các cô gái Hà thành thanh lịch.
Bây giờ tất cả chỉ còn trong hoài niệm, trong tưởng tượng, ước muốn. Thế gian con tạo xoay vần, vật
đổi sao rời, sông Tô Lịch bị lấp bởi chính con người đã từng được hưởng lợi từ sông. Văn minh công
nghiệp tràn đến tận các làng ngoại ô, đời sống người dân càng cao thì con sông càng mang trong mình
thêm nhiều thương tật.
Sông Tô Lịch là nơi đựng nước thải công nghiệp, làng nghề, nước thải bệnh viện, nước thải sinh hoạt
nội thành. Dòng nước nửa xám đen nửa đục, có hôm đen ngòm cả dòng sông y như cái cống nước thải
khổng lồ lộ thiên. Mùi hôi thối. Rêu rác lềnh bềnh. Cứ thế, sông Tô Lịch lại rùng mình chở nước
thải đổ ra sông Nhuệ ở cửa cầu Tó khoảng 400.000m3 mỗi ngày.
Từ cuối những năm 1990, sông Tô Lịch được nạo vét, kè bờ, nhiều đoạn trồng cỏ trong các ô vuông để
bớt đi cái cảm giác bê tông lạnh lẽo và khô cứng. Mọi cố gắng của chính quyền và nhân dân Thủ đô
cũng mới chỉ giải quyết được hai bên bờ. Chưa có phương án nào cho xử lý nước thải trước khi đổ ra
sông Tô Lịch. Dòng sông có số phận chìm nổi Tô Lịch vẫn đen xám, và mất vệ sinh.
Tôi cứ ước ao đến một ngày không xa: Dòng sông Tô Lịch sẽ xanh trong như nó đã từng trong xanh. Cá
sống dưới nước bơi từng đàn và thuyền du lịch chở khách nhàn tản, nhẩn nha từ Cầu Giấy xuôi về Ngã
Tư Sở, trôi sang Nhuệ Giang, vừa uống cà phê, giải khát, nghe hát dân ca, vừa ngắm cảnh tấp nập ở
hai bên bờ sông Tô Lịch trữ tình.