“Sau hơn 3 năm kéo dài cuộc nội chiến, thực tế quân đội Syria đã suy yếu rất nhiều, nên kịch bản mà Mỹ sử dụng sẽ là “đánh nhanh, rút gọn”, ông Bùi Nhật Quang - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Đông và Châu phi nhận định trong cuộc phỏng vấn với Dân Việt chiều 2.9.
- Chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama đang ráo riết vận động Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua chiến dịch tấn công Syria. Ông dự đoán như thế nào về kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ?
Hiện nay có rất nhiều dự đoán về khả năng Mỹ sẽ tấn công Syria. Nhưng tất cả những dự đoán đều có tính nghi ngờ, bởi ngay cả việc Syria có sử dụng vũ khí hóa học để tấn công dân thường hay không vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã có động thái hối thúc Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua dự thảo này, để cuộc tấn công vào Syria “danh chính ngôn thuận” hơn.
Mặc dù hiện giờ đảng Cộng hòa nắm đa số ở Hạ viện, nhưng Tổng thống Obama có thể hy vọng được sự ủng hộ của các nghị sĩ thuộc phe này và phe Dân Chủ của ông Obama cũng chiếm ưu thế nhất định trong Quốc hội nên khả năng Quốc hội Mỹ thông qua yêu cầu tấn công Syria của ông Obama là rất cao.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cách thức tấn công sẽ như thế nào. Tôi cho rằng, Quốc hội Mỹ sẽ bàn sâu hơn về phương cách tấn công và xem cách “tấn công hạn chế” như Tổng thống Obama đưa ra là có thích hợp với hoàn cảnh hiện nay hay không.
Biểu tình phản đối kế hoạch tấn công Syria của Mỹ.
- Theo ông, thời điểm để Quốc hội Mỹ “gật đầu” với ông Obama là khi nào?
Tất nhiên là sẽ sớm thôi, bởi sức nóng của vấn đề này đang tăng lên từng giờ không chỉ ở trên chính trường Mỹ mà các đồng minh phương Tây của Mỹ cũng đang rất nóng lòng chờ đợi.
Tuy nhiên đang là thời gian nghỉ hè nên phải đến ngày 9.9 Quốc hội Mỹ mới họp trở lại và nếu có sớm thì cũng phải sau ngày 9.9. Thời điểm này cũng phù hợp vì lúc đó, Tổng thống Obama mới trở về từ Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Nga.
Văn hóa của người Mỹ có khái niệm “vận động hành lang”, và thời gian này, ông Obama đang vận dụng tối đa để vận động các nghị sĩ ủng hộ cho kế hoạch tấn công Syria.
Như chúng ta đã biết, ngày 1.9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã rất mạnh mẽ khi đưa ra tuyên bố Syria đã sử dụng vũ khí hóa học giết hại thường dân. Chúng ta có thể hiểu rằng, tuyên bố này vừa để đánh động dư luận, vừa để tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận về kế hoạch tấn công Syria.
- Theo ông, kịch bản nào khả thi nhất mà Mỹ sẽ sử dụng nếu tấn công Syria?
Trong trường hợp Quốc hội Mỹ bác bỏ nghị quyết, chiếu theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống Obama vẫn có toàn quyền ra lệnh tấn công Syria, nhưng gần như chắc chắn là, vì những lý do chính trị nội bộ, ông Obama sẽ không xem thường lá phiếu của các nghị sĩ. |
Theo tôi vẫn là kiểu tấn công nhanh gọn như đã áp dụng ở Lybia. Có nghĩa là Mỹ sẽ không đưa bộ binh vào Syria mà sẽ tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào các cơ sở quốc phòng quan trọng, các mục tiêu như sân bay, kho vũ khí… Một khi các cơ sở trọng yếu này bị phá hủy, quân Mỹ và đồng minh sẽ rút lui. Kiểu tấn công này theo cách gọi của Tổng thống Obama là “tấn công hạn chế”.
Tuy nhiên, hiệu ứng để lại là khi những cơ sở quan trọng này bị phá hủy, lực lượng đối lập ở Syria sẽ dễ dàng có đà tiến lên để đánh bại lực lượng quân đội của Tổng thống Syria Assad.
- Tuy nhiên, quân đội Syria không giống như quân đội Lybia, nên khả năng thắng, hay thắng như thế nào đối với Mỹ chắc sẽ không giống như trong quá khứ với Lybia?
Tất nhiên đó chỉ là so sánh cách thức tấn công vào Syria cũng giống như cách thức tấn công mà Mỹ đã sử dụng ở Lybia mà thôi. Còn nếu nói để so sánh tình hình Lybia và Syria thì hai nước này cũng có nhiều điểm tương đồng, cả hai đều trải qua một cuộc nội chiến kéo dài với nhiều tổn thất.
Thực tế, sức mạnh quân sự của Syria cũng đã suy yếu rất nhiều, cho dù các tướng lĩnh của nước này trong những ngày qua vẫn tuyên bố là sẽ đáp trả đến cùng… Đó là tinh thần “quyết chiến” mà họ phải có, nhưng thực tế, hơn 3 năm kéo dài cuộc nội chiến, những tổn thất mà quân đội Syria phải chịu là rất đáng kể.
- Về phía Mỹ, một khi đồng minh thân cận nhất là Anh đã rút khỏi kế hoạch tấn công, liệu điều này sẽ cản trở gì đến chiến dịch tấn công của Mỹ hay không, thưa ông?
Tất nhiên là việc rút lui của Anh cản trở rất nhiều đến ý đồ và quyết tâm của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn còn có những đồng minh khác khá quan trọng. Trong đó đáng kể nhất là Thổ Nhĩ Kỳ(TNK).
TNK vừa ở gần Syria (có thể sử dụng các căn cứ quân sự ở TNK để đặt bệ tên lửa phóng sang Syria). TNK cũng là thành viên ủng hộ mạnh mẽ nhất việc tấn công Syria.
Ở châu Âu, Mỹ có đồng minh khác là Pháp. Việc Pháp từ đầu đến cuối vẫn mạnh tiếng ủng hộ Mỹ tấn công Syria là điều khá ngạc nhiên. Từ trước đến nay, Pháp thường có quan điểm khá bất đồng trong các vấn đề liên quan đến Trung Đông, bởi trên thực tế, các nước phương Tây này đều có ảnh hưởng nhất định đối với một số nước Trung Đông. Vì vậy có thể hiểu rằng, nếu có ủng hộ, thì các nước này cũng có lợi ích riêng ở khu vực Trung Đông.
- Vậy ông dự đoán, thời điểm để Tổng thống Obama ấn nút lệnh “tấn công Syria” là khi nào?
Như tôi đã nói, mọi thứ đã sẵn sàng, quân đội Mỹ cũng đã sẵn sàng, chỉ còn chờ Quốc hội thông qua. Tôi đoán rằng, ông Obama sẽ phát động cuộc tấn công này vào giữa tháng 9.
- Xin cảm ơn ông !