Dân Việt

Khơi dòng sông Cầu

Gia Tưởng 25/11/2013 14:53 GMT+7
Với chiều dài 106km, sông Cầu là tuyến đường giao thông nội thủy trọng điểm, nối Thái Nguyên - Phả Lại (Hải Dương) với nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Nhưng hiện nay dòng chảy đã bị bồi lấp nhiều đoạn, gây khó cho giao thông đường thủy. Việc khơi thông sông Cầu ở những đoạn dòng chảy bị bồi lắng đã được tỉnh Bắc Giang và Công ty cổ phần Đầu tư Việt và Sơn triển khai bắt đầu từ mùa khô 2013.

Điểm đen mùa cạn

Theo số liệu của Cục Quản lý đường thủy nội địa 4, mỗi ngày có đến hàng trăm lượt tàu thuyền lưu thông trên sông Cầu. Đây là một trong những tuyến giao thông nội thủy khá tấp nập, chuyên chở những mặt hàng như than đá, cát sỏi, đất sét và nhiều vật liệu nông nghiệp khác, rất khó vẫn chuyển bằng đường bộ vì chi phí cao và gây bụi bặm.

Hiện nay, do biến đổi khí hậu và sự khai thác chưa hợp lý của các địa phương có sông Cầu chảy qua là: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương nên đã làm cho dòng chảy biến dạng. Vào mùa mưa thì nước sông lớn, dòng chảy xiết, còn mùa khô thì nước sông quá cạn vì lòng sông bị bồi lắng, khá thất thường làm cho không ít tàu thuyền bị mắc cạn, hoặc bị lật khi tham gia lưu thông trên sông Cầu.

Các điểm đen tai nạn giao thông trên sông Cầu phải kể đến là đoạn từ (km 69 đến km 84+810) thuộc các xã: Trung Giã, Việt Long, Bắc Phú, Tân Hưng (Sóc Sơn- Hà Nội) và các xã Hương Lâm, Xuân Cẩm, Mai Trung, Quang Minh (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang). Theo thuyền trưởng Nguyễn Văn Bình - một chủ tàu BN 025 chuyên chạy cát tuyến Thái Nguyên - Phả Lại, đây là đoạn sông trong nhiều năm qua bị đánh giá là điểm đen, các lái tàu rất ngại phải đi qua đây vào mùa khô vì dễ bị mắc cạn. Muốn đi qua đoạn sông này thì phải rất hiểu luồng lạch để tránh những bãi bồi vào mùa cạn.

Sông Cầu nhiều đoạn đã bị bồi lấp, gây cản trở đến giao thông đường thủy.
Sông Cầu nhiều đoạn đã bị bồi lấp, gây cản trở đến giao thông đường thủy.

Ông Hoàng Văn Long- Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Việt và Sơn (trụ sở ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) - đơn vị được giao nhiệm vụ thăm dò, đánh giá dòng chảy của sông Cầu đoạn từ (km69 đến km 84+810) cho biết: Qua thăm dò thực tế thì công ty đã xác định được đoạn sông trên có độ sâu hạn chế, không đảm bảo chạy tàu.

Nhiều bãi cạn xuất hiện như bãi Hoàng Cẩm, và các khu lân cận đã chiếm rất nhiều dòng chảy làm cho tàu bè qua lại khó khăn. Vì vậy, đoạn sông này cần được cải tạo, nạo vét trong mùa cạn để đảm bảo an toàn cho chạy tàu. Phía Công ty Việt và Sơn đã lập dự án trình lên các cấp trung ương và địa phương, xin được thi công cải tạo, nạo vét lòng sông, xóa điểm đen kết hợp với việc tận thu cát sỏi để đảm bảo công tác lấy thu bù chi trong quá trình thực hiện dự án được hiệu quả cao nhất.

Nạo vét phải an toàn

Theo chỉ đạo của ông Trần Văn Thọ - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông vận tải), cục đã chấp thuận với phương án thi công nạo vét của Công ty Việt và Sơn, với hình thức thi công là dùng tàu cuốc và tàu hút để thu gom cát sỏi, để các phương tiện khi lưu thông được thuận tiện dễ dàng. Trong quá trình thi công, phía đơn vị thi công phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định và hướng dẫn thi công của Nhà nước đã ban hành, đặc biệt là phải khống chế đảm bảo an toàn giao thông đường thủy theo phương án đã thống nhất.

Các điểm đen tai nạn giao thông trên sông Cầu phải kể đến là đoạn từ (km 69 đến km 84+810) thuộc các xã: Trung Giã, Việt Long, Bắc Phú, Tân Hưng (Sóc Sơn- Hà Nội) và các xã: Hương Lâm, Xuân Cẩm, Mai Trung, Quang Minh (huyện Hiệp Hòa , Bắc Giang).

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, khi triển khai dự án, tỉnh đã rà soát rất kỹ và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành có liên quan và làm công tác kiểm tra, giám sát và thúc đẩy thời gian thi công một cách rất nghiêm túc. Như Sở TNMT đôn đốc đơn vị thi công, phải tập kết cát sỏi theo đúng quy định; xác định rõ lượng cát sỏi tiêu thụ để tính thuế và phí tài nguyên. Sở NNPTNT phải thường xuyên kiểm tra đê điều để đảm bảo an toàn thân đê và khả năng thoát lũ.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyến - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bắc Giang, việc chẩn trị nạo vét đoạn sông Cầu trong dự án của Công ty Việt và Sơn ngoài việc khơi thông dòng chảy, cắt các điểm đen đối với các phương tiện giao thông đường thủy, còn lập lại trật tự khai thác cát sỏi trên địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Chính vì vậy, dự án khơi dòng sông Cầu được đánh giá mang lại lợi ích nhiều mặt trong công tác khai thác và sử dụng công trình giao thông đường thủy.