Bộ KHĐT cho biết, tính đến hết ngày 31.5.2013, trên cả nước có 518 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) “vắng chủ”, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 903,11 triệu USD.
Các doanh nghiệp này không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký, chủ đầu tư bỏ về nước hoặc không thể liên lạc được gia tăng đáng kể trong thời gian vừa qua. Trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như: Quản lý doanh nghiệp, xây dựng, bất động sản, thương mại, phần mềm, ăn uống, nhà hàng...
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, không trả được lương cho người lao động, không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và thanh toán các khoản nợ của đối tác, khách hàng nên buộc phải đóng cửa, ngừng kinh doanh. Mặt khác, do thủ tục chấm dứt hoạt động, thanh lý và giải thể doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thường mất thời gian, tốn chi phí nên nhiều nhà đầu tư đã bỏ về nước, không thực hiện các thủ tục để chấm dứt các hoạt động.
Theo Bộ KHĐT, việc chủ doanh nghiệp bỏ về nước đã gây ra tác động khác nhau về kinh tế - xã hội, trật tự quản lý nhà nước và môi trường như: Người lao động bị mất việc làm, bị nợ lương và các chế độ theo quy định; Nhà nước bị thất thu ngân sách do không thu được thuế còn nợ đọng, bảo hiểm xã hội và các nghĩa vụ tài chính khác. Ngoài ra, các dự án đóng cửa gây lãng phí tài nguyên đất đai...