Giữ lại nhiều cây thuốc, bài thuốc quýXã Ba Vì có gần 2.000 khẩu, với 98% là đồng bào Dao, nằm ngay dưới chân núi Ba Vì (còn gọi Tản Viên Sơn) được thiên nhiên ưu đãi với hơn 500 loài dược liệu quý. Hàng trăm năm trước, người Dao nơi đây đã biết dùng các thảo dược để chữa bệnh, đặc biệt nổi tiếng với bài thuốc tắm cho các sản phụ.
Bà Triệu Thị Hòa (phải) - giới thiệu và tư vấn cho khách hàng mua thuốc.
Nếu trong một bài thuốc Bắc phải có đầy đủ 4 yếu tố là "quân - thần - tá - sứ" (chủ bài thuốc, thuốc trợ thủ, thuốc phụ, thuốc dẫn), thì với bài thuốc Nam của người Dao, y lý cũng có 4 bước: "Trị bệnh - khỏi bệnh - chống tái phát - tiện nọc". Trước đây, họ đa số dùng cây thuốc dưới dạng tươi hoặc khô.
Tuy nhiên, với cách này nếu vận chuyển đi xa sẽ rất khó khăn, hơn nữa hiệu quả công dụng không cao, và họ đã nghĩ ra cách đun các loại thảo dược lên nhiều lần rồi cô thành cao. Song, qua thời gian và do việc khai thác bừa bãi, mạnh ai nấy làm, đã khiến cho 280 loài thảo dược ở đây đứng trước nguy cơ cạn kiệt, trong đó 120 loài có nguy cơ tuyệt chủng. Sống giữa "vựa" thảo dược, vậy mà người dân nơi đây vẫn đói nghèo.
Tháng 11.2008, những người Dao ở Ba Vì đã tập hợp nhau lại thành lập HTX để bảo tồn và phát triển nghề thuốc, lấy tên là HTX dịch vụ Thuốc Nam dân tộc Dao Ba Vì. Ông Lều Văn Trọng - Chủ nhiệm HTX dịch vụ Thuốc Nam dân tộc Dao Ba Vì cho hay: “Nếu cứ để khai thác tự do, mạnh ai nấy lấy như trước đây, thì chỉ vài năm nữa là vùng núi Ba Vì tuyệt chủng các cây thuốc quý. Sau khi thành lập HTX, chúng tôi đã cùng với các xã viên quy hoạch vườn của mỗi gia đình để trồng cây thuốc, nhờ đó mà nguồn dược liệu thuốc được đảm bảo và đặc biệt là giữ lại được nhiều cây thuốc quý”.
Từng bước thoát nghèo
Theo ông Lăng Văn Hà - Bí thư Đảng ủy xã thì Ba Vì nghèo là do thiếu đất sản xuất, hệ thống cơ sở vật chất chưa được đầu tư nhiều, bên cạnh đó 98% là người dân tộc thiểu số, trình độ hạn chế... nên việc thoát nghèo còn rất khó khăn. Năm 2012, xã có 180 hộ nghèo, 108 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân mới đạt 6,4 triệu đồng/người/năm. Hơn 50% số hộ chưa có công trình vệ sinh phù hợp, 70% hộ dân vẫn sử dụng nước sông, suối làm nước sinh hoạt. “Vì vậy nhân rộng mô hình HTX trồng và duy trì cây thuốc Nam truyền thống là một trong những phương án chúng tôi lựa chọn giúp người dân thoát nghèo” - ông Hà cho hay.
Theo nghị quyết của HTX, từ năm 2012 xây dựng xã Ba Vì thành làng nghề truyền thống cây thuốc Nam và dệt thổ cẩm và trở thành điểm du lịch sinh thái, văn hóa của dân tộc Dao.
|
Đến nay, hầu hết các thôn ở Ba Vì đều thành lập HTX và liên kết chặt chẽ với nhau. Bà Triệu Thị Hòa - Chủ nhiệm HTX Thuốc Nam dân tộc Dao thôn Yên Sơn vui vẻ cho hay: “Trước đây, người dân thôn mình làm ra thuốc phải mang đi khắp nơi để bán, nhưng vì không có thương hiệu nên nhiều người chưa tin dùng.
Những năm gần đây nhờ việc thành lập HTX, xúc tiến việc quảng bá sản phẩm, nên thuốc của bà con làm ra bán rất chạy, nhất là ở các điểm du lịch của Ba Vì, như Khoang Xanh, Suối Tiên, Ao Vua...”.
Cũng nhờ đó mà thu nhập của người dân thôn Yên Hòa đã không ngừng nâng lên. Nếu năm 2011, cả thôn còn hơn 60% là hộ nghèo, thì nay giảm xuống còn 40%, và hết năm 2013 dự kiến giảm xuống còn 30 - 35%.
Bà Triệu Thị Lan - một trong những xã viên đã thoát nghèo nhờ tham gia vào HTX, vui vẻ cho hay: “Để thoát nghèo không phải một sớm, một chiều. Điều quan trọng nhất là người dân phải biết lạc quan, nỗ lực phấn đấu. Cố gắng trồng thật nhiều, chăm sóc cây thuốc thật tốt, khi mình có sản phẩm, HTX lo đầu ra thì cái nghèo đói chẳng còn lo nữa”.