Theo kế hoạch chi tiêu này, ngân sách quốc phòng cho tài khóa 2014 tăng 2,8% so với tài khóa 2013. Khoản ngân sách quốc phòng này của Nhật Bản sẽ ở mức 4.884 tỷ yên, tăng 131 tỷ yên so với ngân sách ban đầu cho tài khóa hiện nay kéo dài đến hết tháng 3.2014. Đây là lần phê duyệt ngân sách lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo đó, Nhật Bản sẽ chi 1,7 tỷ yên để mua 2 phương tiện đổ bộ và 100 triệu yên cho nghiên cứu đưa máy bay vận tải Osprey của Mỹ vào hoạt động. Ngoài ra, Tokyo sẽ dành 63,8 tỷ yên để mua 4 máy bay tiêm kích tàng hình F-35 và 38,3 tỷ yên mua các trang thiết bị và huấn luyện quân nhân điều khiển loại máy bay này.
Dự kiến, trong tài khóa 2014, Tokyo sẽ chi 15,8 tỷ yên cho công tác chuẩn bị triển khai một đơn vị giám sát bờ biển của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đến Yonaguni.
Giới phân tích nhận định, việc Nhật Bản gia tăng ngân sách quốc phòng với con số “khủng” như vậy là để tăng cường đối phó với sức mạnh và các động thái quân sự của Trung Quốc. Gần đây, việc Bắc Kinh đơn phương áp đặt Vùng nhận diện phòng không bao trùm cả hòn đảo đang tranh chấp với Nhật Bản là Senkaku/Điếu Ngư, đã khiến căng thẳng trên biển Hoa Đông bị đẩy lên một nấc thang mới.
Do tăng chi tiêu cho quốc phòng, các dự án công và chương trình an ninh xã hội..., chính sách chi tiêu quốc gia của Nhật Bản sẽ đạt mức kỷ lục 72.610 tỷ yên, tăng 2.240 tỷ yên so với ngân sách của tài khóa trước.
Tuy nhiên, Nhật Bản cũng đã quyết định giảm tổng viện trợ nước ngoài xuống còn 550,2 tỷ yên (6,8 tỷ USD) trong ngân sách tài khóa 2014, giảm 1,3% (tương đương 7,1 tỷ yên) so với mức dự tính ban đầu cho tài khóa hiện nay.
Tuy nhiên, các khoản viện trợ và hợp tác kỹ thuật thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ tăng 1,9% (tương đương 5,8 tỷ yên) lên mức 316,9 tỷ yên, bằng cách chuyển trọng tâm của chương trình Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ viện trợ đa phương sang song phương.