Dân Việt

Thiết lập Trung tâm phân phối cá tra tại châu Âu: Đường đến còn xa

Thuận Hải (thực hiện) 16/11/2013 17:56 GMT+7
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và cảng Zeebrugge (Bỉ) vừa ký kết biên bản ghi nhớ nhằm thiết lập một cơ sở phân phối cá tra Việt Nam tại thị trường EU thông qua cảng Zeebrugge.
Nhưng từ đây đến hoạt động thực tế còn là quãng đường rất dài...

Theo VASEP, hoạt động này nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Bỉ và Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU. Với thỏa thuận này, VASEP mong muốn thiết lập một cơ sở phân phối tại cảng Zeebrugge để hợp nhất việc xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường EU. Cơ sở này sẽ hoạt động như một trung tâm thúc đẩy bán hàng, tiếp thị và xây dựng thương hiệu cho toàn bộ thị trường châu Âu.

Đường vào thị trường EU của cá tra Việt Nam vẫn chưa thực sự thuận lợi, rộng mở (ảnh minh họa).
Đường vào thị trường EU của cá tra Việt Nam vẫn chưa thực sự thuận lợi, rộng mở (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, trao đổi với NTNN, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP cho biết, đây chỉ mới là ý tưởng ban đầu, còn rất nhiều vấn đề phải nghiên cứu, khảo sát để có thể thành hiện thực.

Chỉ mới phác thảo dự án

Tại sao VASEP chọn cảng Zeebrugge để hợp tác xây dựng trung tâm phân phối cá tra tại châu Âu, thưa ông?

- Zeebrugge là cảng nước sâu tiếp nhận hàng hóa phục vụ cho các thị trường trong nội khối EU và Anh. Về vị trí địa lý, Zeebrugge nằm gần các cảng lớn của EU như Le Havre, Hamburg, có khả năng kết nối tốt với các thị trường khác trong khối EU. Ngoài ra, lãnh đạo cảng Zeebrugge cũng ủng hộ và mong muốn hợp tác với VASEP để thực hiện ý tưởng này.

Vậy doanh nghiệp (DN) sẽ được lợi gì khi ý tưởng thành lập trung tâm phân phối cá tra này thành hiện thực?

- Trước hết là DN sẽ được giảm chi phí giá thành vận chuyển khi xuất khẩu số lượng lớn. Ví dụ như trước đây, DN xuất khẩu vào thị trường châu Âu 3 container hàng, tại 3 cảng khác nhau, giá mỗi container sẽ là 3.000USD. Tuy nhiên, khi tập trung cả 3 container hàng này về một địa điểm là Zeebrugge thì giá thành sẽ được giảm hơn, còn 2.000USD chẳng hạn.

Ngoài ra, khi nhiều đơn vị cùng hợp tác cập hàng tại Zeebrugge thì phía cảng cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi dành cho DN như cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt hơn, chi phí ưu đãi hơn…

Dẫu vậy, đây chỉ mới là phác thảo ban đầu của dự án, các bên vẫn phải xem xét đến các trường hợp khác như vị trí từ Zeebrugge đến từng thị trường nhỏ khác có thuận lợi hơn không, các DN xuất, nhập khẩu cá tra có đồng lòng hợp tác hay không…

Kế hoạch vẫn còn xa

Theo đại diện cảng Zeebrugge, dịch vụ phân phối và bán đấu giá điện tử hàng hóa của cảng sẽ giúp tạo ra một phương thức mua bán mới, khác với phương thức mua bán cá tra hiện nay. Cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Nghĩa là các DN khi xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu thông qua cảng Zeebrugge phải thông qua hình thức đấu giá điện tử. Cụ thể, sẽ có một đầu mối cung ứng cá tra duy nhất từ Việt Nam, trực tiếp mua bán với các đầu mối nhập khẩu ở cảng. Và như vậy, sẽ không có tình trạng từng DN riêng lẻ đi đàm phán với đối tác, tránh được tình trạng phá giá, chào giá quá thấp một cách bất hợp lý hoặc cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN như hiện nay.

Theo kế hoạch, khi nào thì việc xây dựng trung tâm phân phối cá tra tại châu Âu bắt đầu và việc “quy về một mối” các DN xuất khẩu thủy sản hoàn thành?

- Tôi nhắc lại, tất cả chỉ mới là ý tưởng ban đầu, còn phải xem xét rất nhiều vấn đề liên quan, ví dụ như về sàn đấu giá nói trên, phải cân nhắc xem có phù hợp, thuận tiện cho tất cả các DN xuất khẩu cá tra vào châu Âu hay không. Do đó, chưa thể nói gì nhiều về dự án này.

Ngoài ra, cần phải có sự hỗ trợ của Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương Việt Nam cũng như các đơn vị liên quan bên phía Bỉ để các vấn đề, hạng mục trong dự án sớm thực hiện được. Sắp tới, VASEP cũng sẽ họp tất cả các DN trong hiệp hội để tiếp tục bàn cụ thể hơn về vấn đề này.

Xin cảm ơn ông!

Ông Joachim Coens - Giám đốc điều hành (CEO) cảng Zeebrugge cho biết, nằm ở vị trí giữa cảng Le Havre (Pháp) và Hamburg (Đức), cảng Zeebrugge hiện là trung tâm phân phối thủy sản hàng đầu của Bỉ cho thị trường châu Âu. Từ năm 2014 sẽ có tuyến tàu biển trực tiếp từ Cái Mép (Vũng Tàu, Việt Nam) đến cảng, rút ngắn đáng kể thời gian, chi phí vận chuyển và tạo ra một phương thức mua bán mới, khác với phương thức mua bán cá tra hiện nay.