Ảnh hai nạn nhân Amina và Sarah Said trong chiến dịch nâng cao nhận thức người dân về hủ
tục "giết người vì danh dự" tại Chicago, Mỹ
Nhẫn tâm thiêu chếtcon gái
Chỉ một tháng sau khi một bé gái 8 tuổi ở Yemen tử vong vào đúng đêm tân hôn do bị người chồng 40
tuổi đánh đập dã man, một ông bố 35 tuổi tại nước này đã bị bắt giữ vì nhẫn tâm thiêu chết con gái
15 tuổi của mình. Theo thông tin được hãng
Reuters đăng tải vào ngày 23.10 vừa qua, lý do mà ông ta
đưa ra là con gái đã "phạm tội" nói chuyện với vị hôn phu của mình trước lễ cưới.
Theo phong tục bộ lạc truyền thống tại một số vùng ở Yemen, các cô gái được gả chồng từ lúc nhỏ, có
khi mới 8-9 tuổi đã phải đi lấy chồng. Tuy nhiên, theo quy định, nam nữ không được tiếp xúc với
nhau trước lễ cưới, mọi việc đều do cha mẹ họ sắp đặt. Nếu ai không tuân thủ, hoặc làm "xấu mặt gia
đình", sẽ bị chính thành viên trong gia đình họ nhẫn tâm sát hại. Hủ tục này được gọi là "giết
người vì danh dự".
Một nghiên cứu của Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF) vào năm 1999 đã chỉ ra rằng, chỉ trong năm 1997 trên
thế giới đã xảy ra 400 vụ "giết người vì danh dự". Trên thực tế có thể cao hơn vì nhiều vụ không
được thông báo hoặc điều tra. Sự việc mới nhất xảy ra vào tháng 10.2013 tại một ngôi làng hẻo lánh
ở tỉnh Taiz, miền Trung Yemen cho thấy, các vụ "giết người vì danh dự" vẫn là một hủ tục phổ biến
tại Yemen và một số nước trên thế giới.
Mới đây, bộ phim "Banaz A Love Story" đã giành giải thưởng Emmy khi kể về câu chuyện có thật
của một cô gái 17 tuổi, nạn nhân của hủ tục "giết người vì danh dự". Điều đáng nói là vụ việc không
phải xảy ra ở Trung Đông, mà tại chính Thủ đô London (Anh). Ở tuổi 17, cha mẹ Banaz
gả em cho một người đàn ông Iraq tên là Ali mà em mới chỉ gặp mặt một lần. Ngay khi về sống
chung, ông ta thường xuyên đánh đập vợ, nhưng khi Banaz nói với bố mẹ, họ lại đứng về phía Ali.
Sau
3 năm bị lạm dụng, Banaz tới cảnh sát London trình báo, nhưng cảnh sát lại không điều tra rốt ráo.
Thế nên, sau khi bỏ chồng, Banaz tìm được một người bạn trai tên là Rahmat. Một ngày, họ bị bắt gặp
hôn nhau trên đường, thế là, một kế hoạch "giết người vì danh dự" đã được gia đình Banaz vạch ra.
Banaz được thông báo mất tích. Kết quả điều tra của cảnh sát cho thấy, Banaz đã bị 3 anh em họ siết
cổ chết. Khi bị đưa ra tòa xét xử, những người liên quan đến vụ án mạng gồm cha, bác và 3 anh em họ
của nạn nhân đã bị kết án tù chung thân.
Trừng trị thích đáng
Gần đây nhất, ngày 25.11, một cặp vợ chồng giàu có ở Ấn Độ đã bị kết án chung thân vì tội giết con
gái 14 tuổi và người giúp việc gốc Nepal. Theo hồ sơ tòa án, đôi vợ chồng này (cả hai đều là bác sỹ
nha khoa) bị buộc tội vì đã cắt cổ con gái và người giúp việc nam bằng dao mổ khi phát hiện cả hai
đang trên giường ngủ tại nhà của họ ở Thủ đô New Delhi. Lúc đầu mọi nghi vấn trong vụ giết người
này tập trung vào người giúp việc mất tích, nhưng xác của anh ta đã được phát hiện trên mái nhà vào
ngày hôm sau.
Trước đó hai tháng, người dân Ấn Độ cũng bị chấn động trước thông tin một đôi trai gái bị đánh đập
đến chết trong một vụ "giết người vì danh dự" xảy ra tại một ngôi làng ở bang Haryana, miền Bắc
nước này. Cảnh sát Ấn Độ cho biết, cặp tình nhân xấu số này là Dharmender Barak, 23 tuổi, và bạn
gái Nidhi Barak, 20 tuổi. Họ đều là sinh viên đại học và đang có kế hoạch kết hôn, nhưng gia đình
cô gái phản đối quyết liệt. Họ bị dụ quay về làng và bị sát hại dã man. Các nhân chứng cho biết, cô
gái bị người nhà đánh đến chết sau đó hỏa táng, còn bạn trai của cô bị chặt đầu và ném xác ra ngoài
đường. Sau khi vụ việc xảy ra, cảnh sát đã bắt giữ cha mẹ cùng người chú của cô gái do bị tình nghi
liên quan đến vụ án mạng trên. Hiện cảnh sát tại bang Haryana đang thực hiện một chiến dịch nhằm
ngăn chặn các vụ "giết người vì danh dự" tái diễn.
Hồi năm 2010, Tòa án Tối cao Ấn Độ cho biết, những người bị kết tội trong các vụ án như vậy có thể
sẽ phải chịu hình phạt cao nhất là tử hình, vì đây là tội phạm man rợ làm xấu hình ảnh quốc gia.
Không có thống kê chính thức về các vụ "giết người vì danh dự" tại Ấn Độ, nhưng theo nghiên cứu của
Hội Phụ nữ dân chủ toàn Ấn Độ, có khoảng 1.000 vụ án như vậy xảy ra tại nước này mỗi năm. Ước tính,
mỗi năm có khoảng 5.000 phụ nữ là nạn nhân của các vụ "giết người vì danh dự" tại Yemen, Ấn Độ, Ai
Cập, Pakistan và một số nước khác trên thế giới.