Có thể còn sớm để đánh giá về triển vọng kinh tế Thái Lan năm 2014, nhưng các nhà đầu tư và giới phân tích kinh tế thế giới đã bắt đầu dùng từ “ảm đạm” dành cho nền kinh tế của đất nước chùa vàng.
Bốn năm trước, nền kinh tế Thái Lan đã bị vùi dập bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài. Từ sự sụp đổ của Lehman Brothers vào tháng 9.2008, đã gây bão tài chính toàn cầu và ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Thái Lan. Từ trong lòng nước Thái, những cuộc đình công, đóng cửa sân bay Suvarnabhumi - cửa ngõ cho 70% du khách đến Thái Lan đã gây hoảng sợ các nhà đầu tư nước ngoài. Những hệ lụy đến sau đó là tăng trưởng giảm sút, xuất khẩu giảm và mức tiêu thụ cũng giảm thê thảm.
Nay, bài học đau đớn của quá khứ dường như đang trở lại và ám ảnh những người Thái trung lập. Các cuộc biểu tình trong những ngày qua đã gây ra một tác động tương tự. Các cuộc biểu tình đang làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư và làm giảm đi triển vọng tăng trưởng vốn đã mong manh cho năm 2014. Mặc dù có thể nói rằng các cuộc biểu tình chủ yếu diễn ra trong hòa bình, cho đến nay có 3 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, nhưng nếu cứ kéo dài và căng thẳng ngày càng leo thang, các cuộc biểu tình sẽ ảnh hưởng xấu đến đầu tư và du lịch của Thái Lan, làm trầm trọng thêm quy trình đầu tư cơ sở hạ tầng ở Thái Lan…
Đà tăng trưởng của Thái Lan đang chậm lại, với chỉ 2,7% tăng trưởng GDP thực tế quý III, giảm so với mức 5,4% trong quý đầu tiên. Điều này trái ngược với Hàn Quốc, Malaysia và Singapore. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra, điều gì sẽ tạo nên tương lai cho Thái Lan? Tình hình hiện nay có vẻ nghiêm trọng, làm thế nào để Thái Lan trấn an thế giới và đảm bảo sẽ có một tương lai tươi sáng hơn cho người dân? Câu trả lời: Chỉ có thiết lập hòa bình và ổn định xã hội. Điều này, thế giới đang chờ đợi ở bàn tay kiến tạo của nữ Thủ tướng Yingluck.